Sao Mộc Lan
Ấn tượng sâu sắc nhất với tôi chính là hình ảnh Kha Ái trong chiếc váy đỏ, xinh đẹp dịu dàng như mảnh lụa mềm. Khi đó, tôi thường chạy sau lưng chị, gọi lớn: "Ái Ái, Ái Ái!" Chị sẽ dừng lại, cười nhìn tôi: "Em trai, em trai, theo sát chị nhé!"
Tôi gật đầu rối rít: "Dạ!"
Chúng tôi cùng nhau lên núi bắt sâu, cùng nhau trồng cây trước nhà ông nội, cùng nhau đeo cặp đến trường... Hai chúng tôi cực kỳ giống nhau. Thỉnh thoảng, hai chúng tôi sẽ đóng giả làm đối phương, tráo đổi thân phận một ngày. Chỉ có mình ông nội nhận ra sự khác biệt, còn người khác nếu không nhìn kỹ, kiểu gì cũng sẽ nhận nhầm.
Kha Ái là thần tượng của tôi. Chị luôn phóng khoáng, lạc quan, lúc nào cũng hoạt bát nói cười. Chị là lớp trưởng kiêm lớp phó học tập, được tất cả bạn bè và thầy cô yêu quý. Còn tôi... tôi giống như chiếc đuôi nhỏ bám theo chị. Chỉ cần được đứng chung một chỗ với chị là tôi đã thỏa mãn lắm rồi.
Cô giáo nói: "Kha Thiển giống con gái, Kha Ái mới giống con trai, còn nhỏ tuổi đã biết chăm lo cuộc sống cho cả hai chị em rồi. Không dễ chút nào." Tôi rất tự hào vì có một người chị như vậy. Rất nhiều người ghen tị với tôi. Ai bảo họ không có chị chứ?
Lúc ấy, tôi vẫn chưa nghe đến câu nói "Một phiên bản khác của tôi trên thế giới". Sau này, tôi xem phim Nhật mới biết được. Nhìn dòng chữ này mà nước mắt tôi suýt tuôn rơi. Có lẽ ngay từ phút giây ấy, tôi đã yêu thích cuồng nhiệt những thứ huyền ảo, xinh đẹp, nhiệt huyết và ấm áp kia. Trong thế giới cosplay, tôi chính là diễn viên xuất sắc, là vị vua không ngai. Tôi có thể hóa thân thành người chị mà mình đã đánh mất: Kha Ái.
Người họ hàng giàu có đến chọn con nuôi khi chúng tôi học lớp Ba. Ngày đó, tôi không biết mục đích của họ, chỉ thấy họ cứ quấn quýt nói chuyện với chị, hỏi Kha Ái có phải là đội trưởng đội Thiếu niên, có phải luôn đứng nhất khối hay không. Chị sợ sệt gật đầu. Họ bảo chị biểu diễn gì đó, chị bèn múa một điệu Tân Cương khiến họ vui tươi hớn hở.
Lúc đó, ông nội đã già lắm rồi. Ông nheo mắt ngồi một góc hút thuốc. "Mỗi đứa đều có số mạng của riêng mình. Chỉ cần chúng đều sống tốt là được." Rồi ông liếc mắt nhìn tôi đầy thâm ý. Tôi không hiểu ánh mắt của ông nghĩa là gì, nhưng cảnh tượng ấy đã khắc sâu vào tâm trí tôi rất nhiều năm về sau.
Sau đó, họ lại đến nói chuyện với tôi. Tôi trốn phía sau chị, cảnh giác nhìn họ. Khi tay họ chạm đến góc áo, tôi hoảng hốt chạy vào nhà, không nghe rõ tiếng họ trao đổi gì đó với nhau.
Một thời gian sau, tối nào tôi cũng thấy chị lén khóc một mình. Tôi bèn hỏi: "Chị, sao chị khóc? Có phải họ bắt nạt chị không?" Bởi vì mấy ngày đó, họ luôn dẫn chị đi chơi nhưng không dẫn tôi theo.
"Không có..." Chị nức nở. "Họ đối với chị tốt lắm, mua cho chị rất nhiều thứ, còn mua rất nhiều đồ tẩm bổ cho ông. Mấy thứ đó đắt lắm."
"Em chẳng thèm quan tâm." Tôi lẩm bẩm.
Chị lại sụt sùi. "Kha Thiển, nếu một ngày nào đó chị rời đi, em phải cố gắng học tập, chăm sóc tốt cho ông nội, biết không?"
Tôi nắm chặt lấy tay chị: "Em không muốn rời xa chị đâu!"
Ngày chị đi, tôi không hề hay biết. Khi tôi và ông nội đi mua gạo và dầu trở về, đồ đạc của chị trong nhà đã được dọn sạch sẽ. Chị để lại lá thư cho tôi:
"Kha Thiển!
Chị không biết mình lựa chọn như vậy có đúng không. Nhưng trước khi mẹ mất đã dặn chị phải chăm sóc hai chị em và ông thật tốt. Cô chú rất dư dả nhưng không có con, họ muốn có một đứa con.
Ông nội sắp dùng hết tiền để dành rồi. Tiền bố mẹ để lại cũng chẳng còn bao nhiêu. Họ bảo ông nội không thể nuôi nổi cả hai chúng ta. Chị là con cả thì nên san sẻ giúp gia đình. Nếu họ bằng lòng dẫn em sang Mỹ, chị sẽ càng vui hơn. Nhưng bây giờ không còn cách nào khác, họ chỉ muốn đưa chị đi thôi.
Bố từng nói một câu: "Bảo kiếm phải qua tôi luyện". Tương lai, chúng ta phải thi đỗ vào trường đại học thật tốt, kiếm được thật nhiều tiền mới có thể mang lại cuộc sống hạnh phúc cho gia đình ba người chúng ta. Mà ở Mỹ có rất nhiều, rất nhiều tiền.
Chị đi đây, đừng hận chị, cũng đừng lo cho chị. Chị nhất định sẽ trở về. Chị xin thề bằng sinh mạng của mình.
Kha Ái."
Đó là lần ly biệt đầu tiên trong cuộc đời của tôi và Kha Ái. Lần đó, tôi đã rất tức giận, không ăn cơm cũng không để ý đến ai mấy ngày liền, đến mức ông nội lôi tôi ra đánh mắng: "Kha Ái có thể đến Mỹ là phúc ba đời của nó. Nếu không một mình lão già như ông nuôi hai đứa con, làm sao có được tương lai gì?"
Tôi bật khóc nức nở. Nhưng tôi có thể giận chị bao lâu chứ? Tôi lại bắt đầu ngày ngày ngóng trông điện thoại và thư từ của chị, nhưng mãi vẫn chẳng thấy gì.
Cô chủ nhiệm thấy tôi mỗi ngày đều chạy đến hòm thư trong trường bèn an ủi: "Con à, chị con sang Mỹ, chưa quen với cuộc sống bên đó. Một đứa trẻ như thế sao có thể tìm được chỗ gửi thư hay gọi điện thoại đường dài cho con chứ? Đừng đợi nữa."
"Dạ."
Khi đó, tôi nào biết rằng cuộc chia ly này lại lâu đến vậy.
Lúc tôi thi đỗ đại học thì ông nội qua đời. Tôi chỉ mang một ba lô hành lý đơn giản đến thành phố Bắc Kinh rộng lớn này. Tình hình có khác đôi chút so với tưởng tượng của tôi. Khi tôi ngẩng đầu đối mặt và cười với bạn cùng phòng, họ nhìn quần áo cùng chiếc ba lô thô kệch của tôi, chỉ nở nụ cười xã giao, không lạnh nhạt cũng chẳng nhiệt tình.
Cảm giác của tôi khi đó tựa như một con sâu róm, luôn dè dặt vươn râu dưới ánh mặt trời. Người khác chán ghét né tránh, còn tôi lập tức co rúc vào bóng râm dưới lá cây.
Bốn năm đại học, tôi chưa bao giờ thân thiết với ba người bạn cùng phòng. Tôi cảm thấy mình và họ không phải kiểu người cùng chung chí hướng. Đôi khi họ tụ tập nhậu nhẹt, ăn uống, xem đá bóng cũng không hề gọi tôi. Tôi chỉ ở trong phòng ôn bài hoặc hóa trang với bộ cosplay nữ mới mua. Họ không thích tôi, tôi cũng không thích họ.
Nội dung chương bạn đang xem bị thiếu. Vui lòng truy cập website https://truyenhay.pro.vn để xem nội dung đầy đủ. Cảm ơn bạn đọc!