*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Edit & beta: Cún
"Năm Giáp Thìn, đao binh động,
Giặc lùn, La Sát náo Quan Đông.
Hắc Thủy loạn, Bạch Sơn sập,
Khinh Trung Quốc ta không anh hùng."
Bài vè này kể về một trận đại chiến xảy ra trên đất Quan Đông của Trung Quốc hơn một trăm năm trước. Năm Giáp Thìn, tức là năm Quang Tự thứ 30 của triều đại nhà Thanh, cũng chính là năm 1904 theo Công nguyên. Trận chiến này là giữa nước Nga và nước Nhật. Có thể nói đây là một chuyện hiếm có trong lịch sử chiến tranh thế giới, bởi lẽ hai quốc gia này đã đánh nhau ngay trên đất Trung Quốc để tranh giành lợi ích.
Nước Nga, từ cuối thời Minh đã liên tục xâm lược về phía đông, gây ra bao cảnh giết chóc và tàn phá ở vùng Mãn Mông của Trung Quốc, hành động tàn ác như quỷ dữ. Trong tiếng Mông Cổ, phát âm của từ "Nga La Tư" (Russia – nước Nga) nghe rất giống với từ "La Sát" trong tiếng Hán, vì vậy người Trung Quốc gọi những kẻ xâm lược Nga là "quỷ La Sát".
Đến cuối triều nhà Thanh, khi quốc lực Trung Quốc suy yếu, chính phủ Sa hoàng Nga muốn nhân cơ hội này độc chiếm vùng Đông Bắc Trung Quốc. Nhưng lúc này, Nhật Bản không chịu ngồi yên. Nhật Bản vốn là một nước nhỏ, thực lực yếu, nhưng lại không chịu an phận. Từ lâu, Nhật Bản đã quấy nhiễu Trung Quốc, nên bị người Trung Quốc gọi là "Oa khấu" (giặc lùn).
Sau phong trào Duy Tân Minh Trị, Nhật Bản ngày càng lớn mạnh, thôn tính bán đảo Triều Tiên và tiếp tục dòm ngó vùng núi Trường Bạch và sông Hắc Long ở Đông Bắc, Trung Quốc. Vì vậy, xung đột với Nga là điều không thể tránh khỏi.
Khi "quỷ La Sát" và "quỷ Nhật Bản" khai chiến, các cường quốc phương Tây liền ngồi lại, chuẩn bị bàn ghế và cắt dưa hấu để ngồi hóng chuyện. Ban đầu, các nước đều cho rằng một đế quốc lâu đời và giàu mạnh như Nga chắc chắn sẽ giành chiến thắng. Nhưng không ngờ, một cường quốc mới nổi như Nhật Bản, lại khiến Nga bị đánh bại một cách thảm hại.
Trên biển, quân Nhật chiếm được cảng Lữ Thuận, lâu nay bị quân Nga chiếm giữ. Trên đất liền, quân Nhật liên tục giành chiến thắng, phá vỡ phòng tuyến của quân Nga tại bờ sông Áp Lục và tiến vào vùng Đông Bắc, Trung Quốc.
Chúng ta hãy ngừng nói chuyện vô nghĩa và quay lại chủ đề chính.
Chuyện kể rằng, vào một ngày nọ, một toán lính Nga khoảng hơn hai mươi người, sau khi bị quân Nhật truy đuổi, đã hoảng loạn chạy trốn vào vùng núi Trường Bạch rộng lớn. Theo lệnh của tướng chỉ huy Nga, tất cả những đội quân tan tác ở phòng tuyến sông Áp Lục phải tự tập hợp lại tại trấn Song Điền, Cát Lâm sau ba ngày. Nhưng thật không may, toán lính này bị quân Nhật chặn đường.
Sau một trận chiến ác liệt kéo dài suốt đêm, họ mới thoát được vòng vây, nhưng đã hoàn toàn mất liên lạc với đại quân. Khi ấy, mọi con đường đều bị phong tỏa, còn quân Nhật thì vẫn ráo riết truy đuổi phía sau. Đứng đầu nhóm lính Nga khi đó là Trung úy Asharyov. Không còn cách nào khác, hắn đành dẫn theo số tàn binh ít ỏi này, tìm cách vượt qua núi Trường Bạch để đến được trấn Song Điền.
Núi Trường Bạch nằm giữa biên giới Trung Quốc và Triều Tiên, kéo dài hàng trăm dặm, với núi non hiểm trở và rừng rậm rạp. Nơi đây nổi tiếng với những thác nước hùng vĩ, hồ nước núi cao rộng lớn, rừng nguyên sinh bạt ngàn, cảnh quan núi lửa kỳ thú, cùng hệ động thực vật quý hiếm. Ngọn núi này được mệnh danh là "ngọn núi số 1 ở Quan Đông" và cũng được người dân địa phương gọi là "núi thần".
Vừa đặt chân vào rừng sâu, toán lính Nga đã bị lạc đường. Lúc này đã là giữa mùa đông, tuyết phủ trắng xóa, nước đóng băng thành đá. Cả nhóm người quần áo rách rưới, không có thức ăn, rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng giữa trời băng đất tuyết, kêu trời không thấu, gọi đất chẳng hay. Asharyov liền tập hợp mọi người, đốt một đống lửa sưởi ấm và bàn bạc xem phải làm thế nào.
Quay lại đường cũ để xuống núi là không thể, vì quân Nhật vẫn đang mai phục bên ngoài. Nhưng nếu tiếp tục ở lại trên núi Trường Bạch quá lâu, họ cũng không thể tiếp tục sống sót, vì thời điểm này cây cối tiêu điều, chim muông vắng bóng, chẳng có gì để ăn. Chỉ cần ở đây thêm vài ngày nữa, họ sẽ chết vì lạnh hoặc đói.
Sau một hồi bàn bạc mà vẫn chưa tìm ra cách nào khả thi, bỗng nhiên từ bụi rậm phía xa vọng lại một tiếng hét thảm thiết.
"Là Yuri Kin!" Asharyov nhận ra giọng của một người lính vừa đi ra ngoài giải quyết nhu cầu. Anh vội vàng dẫn người chạy tới xem. Khi đến nơi, họ thấy Yuri Kin đã bị một chiếc bẫy thú kẹp chặt lấy chân. Anh ta vừa la hét cầu cứu, vừa ra sức dùng tay cố gỡ bẫy ra.
Phải mất một lúc lâu, mọi người mới có thể giải thoát được Yuri Kin. Nhưng chân của anh ta đã bị bẫy kẹp nát đến tận xương, chỉ còn dính lại với cơ thể bằng một ít gân và thịt.
Asharyov nhíu mày, nhìn chằm chằm vào vết thương của Yuri Kin một lúc lâu, rồi thở dài nói: "Yuri Kin, xin lỗi, chúng tôi không thể mang cậu theo được."
Người lính bị thương tên Yuri Kin nhìn hắn với ánh mắt hoảng sợ, tràn đầy sự van xin. Asharyov quay mặt đi, tránh ánh mắt đó, rồi nói: "Xin lỗi… Nếu đưa cậu theo, tất cả chúng ta sẽ không thể rời khỏi ngọn núi bị quỷ dữ nguyền rủa này."
Hắn quay sang một người lính khác đứng bên cạnh và ra lệnh: "Peter, nếu để Yuri Kin ở lại đây, cậu ấy sẽ chỉ chịu thêm đau đớn mà thôi. Hãy tiễn cậu ấy một đoạn đường."
Người lính tên Peter Nagiev trợn to mắt, giọng run rẩy: "Trung úy…"
Asharyov tức giận quát lên, cắt ngang lời anh ta: "Chấp hành mệnh lệnh! Hay cậu cũng muốn chết ở đây hả?"
Yuri Kin cười thảm một tiếng, nói: "Peter, Trung úy nói đúng… Tôi không thể đi tiếp nữa. Nếu các cậu khiêng tôi đi, chẳng ai có thể thoát khỏi ngọn núi quỷ quái này. Nào, anh bạn, bắn chính xác một chút, đừng để tôi chịu khổ thêm nữa!"
Một tiếng súng vang lên, Yuri Kin ngã xuống mà không kịp rên một tiếng. Asharyov không nhìn lại nữa, hắn bước tới bên chiếc bẫy thú, cẩn thận quan sát.
Đây là một loại bẫy chuyên dùng để săn lợn rừng hoặc gấu, thứ mà người Quan Đông gọi là "hắc hiá tử" (gấu đen). Có vẻ như nó mới được đặt không lâu. Một thợ săn muốn đặt loại bẫy này phải kiên nhẫn ẩn nấp lâu ngày trong rừng, nắm rõ quy luật di chuyển của lợn rừng hoặc gấu, sau đó mới có thể đặt bẫy ở những nơi chúng thường lui tới. Điều này đòi hỏi kinh nghiệm săn bắn phong phú và sự kiên trì, cẩn trọng.
Asharyov đã đóng quân ở Quan Đông khá lâu, hắn biết rằng vào mùa đông khắc nghiệt thế này, thợ săn Trung Quốc hiếm khi vào rừng. Nếu có vào, họ cũng đi thành nhóm, cưỡi ngựa, thả chim ưng tìm dấu vết con mồi, cách săn chủ yếu là đánh nhanh rút gọn, chứ không phải đặt bẫy, vì phương pháp này tốn khá nhiều thời gian. Hơn nữa, khu vực này gần đây liên tục xảy ra chiến loạn, những thôn trại của người Trung Quốc xung quanh hoặc đã bị cướp phá, đốt sạch, hoặc dân chúng đều đã bỏ làng mà chạy loạn. Vậy thì làm gì còn ai vào rừng săn bắn?
Nội dung chương bạn đang xem bị thiếu. Vui lòng truy cập website https://truyenhay.pro.vn để xem nội dung đầy đủ. Cảm ơn bạn đọc!