Anh Phất hơi nghiêng người, xoay mặt đi né tránh Nhu Phúc, lặng lẽ đưa khăn tay lên thấm nước mắt, sau đó buồn bã nói: "Công chúa, tôi không biết người đã gặp phải những gì ở Kim quốc, chắc hẳn mấy năm nay cũng trải qua không dễ dàng. Thế nhưng, người cũng nên hiểu cho chỗ khó của quan gia.
Cuộc sống đủ đầy xa hoa như Đạo quân hoàng đế năm đó quan gia chưa từng được nếm trải một ngày. Mấy năm nay thù trong giặc ngoài, chiến tranh loạn lạc, khiến sức khỏe và tâm lý quan gia đều chịu ảnh hưởng nặng nề.
Xin người hãy nhớ kĩ, hiện giờ quan gia là quân chủ Nam triều đã đi qua sống chết khổ nạn, chứ không còn là Khang vương vừa đi sứ trại Kim quay về trong ấn tượng của người khi xưa nữa."
Năm Kiến Viêm thứ nhất, sau khi đăng cơ, Triệu Cấu thăng Tư chính điện đại học sỹ Lý Cương làm Thượng thư cổ bộc xạ kiêm Trung thư thị lang. Lại bổ nhiệm Hoàng Tiềm Thiện làm Trung thư thị lang, Uông Bá Ngạn làm Đồng tri xu mật viện xứ.
Hoàng Tiềm Thiện, Uông Bá Ngạn đã phò tá Triệu Cấu từ khi y nhậm chức Thiên hạ binh mã đại nguyên soái. Theo lý mà nói Triệu Cấu nên phong bọn họ làm tể tướng mới phải, chẳng ngờ y lại kiên quyết cho Lý Cương được chúng nhân ngưỡng mộ làm tướng, còn bọn họ ở chức vị thấp hơn.
Bởi thế, hai người sinh tâm oán ghét đố kỵ, vừa công khai vừa âm thầm đối đầu với Lý Cương.
Ban đầu, Triệu Cấu hết sức tín nhiệm Lý Cương, quốc sự nào cũng cùng ông thương lượng mới đưa ra quyết định, khiến tình hình nước nhà dần dần có khởi sắc. Thế nhưng hai người Hoàng Tiền Thiện, Uông Bá Ngạn lại cật lực khuyên Triệu Cấu nghị hòa với nước Kim.
Triệu Cấu vốn dĩ không có ý hòa, không ngờ lúc ấy tướng Kim là Lâu Thất bất ngờ dẫn đại quân công phá Hà Trung, quân Tống dồn toàn lực kháng địch song cuối cùng vẫn thất thủ. Sau khi đánh vào Hà Trung phủ thành, Lâu Thất lại liên tiếp chiếm được các châu Giới, Giáng, Từ, Thấp.
Nhất thời Nam Kinh loạn như cào cào, dân chúng đều sợ hãi thảm cảnh quân Kim đánh vào Biện Kinh sẽ lặp lại lần nữa. Hai người Uông, Hoàng liền lập tức mời Triệu Cấu chạy về Đông Nam lánh nạn, Triệu Cấu cũng dần dần dè dặt, tháng Bảy mùa Thu năm ấy bèn hạ chỉ chuyển về Đông Nam, mùa Xuân năm sau sẽ quay về kinh thành.
Lý Cương cố sức thuyết phục y suy nghĩ lại, dâng sớ nói: "Tự cổ đế vương thời kì trung hưng đều đặt đô ở Tây Bắc, làm vậy vẫn ở Trung Nguyên mà còn có thể giữ vững Đông Nam. Nếu như chỉ giữ Đông Nam, thì không thể nắm được toàn bộ Trung Nguyên.
Vì quân tinh nhuệ trong thiên hạ đều đóng ở Tây Bắc, nếu để mất rồi, quân Kim ắt sẽ nhân cơ hội tràn vào, giặc cướp cũng sẽ nổi lên, ngày sau cho dù bệ hạ có ý muốn về kinh đô cũng khó lòng thực hiện được, càng không nói tới việc dẫn binh đánh định đón hai vua về!
Nay kế sách vẹn toàn nhất là nên cố thủ kinh đô, xoa dịu lòng dân, đợi đến khi đuổi được quân Kim thiên hạ thái bình lại chuyển về Biện Kinh!"
Bởi thế, Triệu Cấu thu hồi chỉ dụ, tiếp nhận ý kiến của Lý Cương, quyết định không di dời về Đông Nam nữa về chuyển về Nam Dương. Sau đó vào tháng Tám lại cải phong Lý Cương làm Thượng thư tả bộc xạ kiêm Môn hạ thị lang, để Hoàng Tiềm Thiện giữ chức Thượng thư hữu bộc xạ kiêm Trung thư thị lang.
Lúc này, phái chủ hòa trong triều đang nhắm mũi nhọn vào Lý Cương chủ chiến. Phạm Tông Doãn cũng là một đại thần thuộc phái chủ hòa, tâu với Triệu Cấu Lý Cương đang lấn quyền quân chủ, không thể chắp cánh cho hổ.
Mà trước đó Lý Cương từng dâng tấu xin triều đình phái mệnh quan tới an ủi bá tánh ở những nơi đã bị mất đất và một số thế lực tự phát nổi lên chống quân Kim, đồng thời cũng tiến cử Trương Sở làm Hà Bắc chiêu phủ sứ, Vương Dịch làm Hà Đông kinh chế sứ.
Đây lại biến thành lý do cho Uông Bá Ngạn và Hoàng Tiềm Thiện luận tội Lý Cương. Hà Bắc chuyển vận phó sứ, Quần Bắc kinh lưu thủ Trương Ích Khiêm nhận được ám thị của Hoàng Tiềm Thiện bèn dâng tấu nói Trương Sở cai quản Bắc Kinh không đúng cách, khiến giặc cướp ở Hà Bắc nổi lên khắp nơi, ngày càng khó kiểm soát.
Sau đó Uông, Hoàng lại vu cáo Phó Lượng không kịp thời vượt sông mà cố tình nán lại, khiến quân đội chịu tổn thất. Lý Cương tự biết hai kẻ đó có mục đích phía sau, thực chất đang nhắm vào mình, liền buồn bực nói với Triệu Cấu: "Chức chiêu phủ sứ, kinh chế sứ là thần xin bệ hạ được thiết kế ra.
Trương Sở, Phó Lượng cũng là do thần đề cử. Mà Uông Bá Ngạn, Hoàng Tiềm Thiện vu khống Trương Sở, Phó Lượng không căn cứ, rõ ràng là đang chỉ trích thần làm việc không ổn thỏa.
Thần vẫn thường cho rằng việc nước nhà bại vong trong những năm Tĩnh Khang là do các đại thần bất hòa, triều cương rối loạn, nên gặp việc gì cũng cùng Uông Bá Ngạn, Hoàng Tiềm Thiện lần lượt bàn bạc.
Hai người ngược lại lại mưu hại thần, dồn thần vào chỗ chết, xin bệ hạ hãy cho thần được cáo lão hồi hương."
Triệu Cấu ban đầu ra sức níu kéo, mà Lý Cương vẫn kiên quyết từ chức, không hề bị lay chuyển. Triệu Cấu lại bàn bạc với Uông Bá Ngạn và Hoàng Tiềm Thiện.
Hai người nghe việc Lý Cương xin từ chức dĩ nhiên âm thầm vui sướng trong lòng, chỉ lo Triệu Cấu không đồng ý, bèn liên tiếp công kích Lý Cương, nói ông tự ý chiêu mộ quân sĩ, mua ngựa, có ý đồ mưu phản, nên đuổi đi sớm thì hơn.
Triệu Cấu không phải lời nào cũng tin, thế nhưng nghĩ tới lời Lý Cương
"việc nước nhà bại vong trong những năm Tĩnh Khang là do các đại thần bất hòa, triều cương rối loạn" vô cùng có lý, mà trước mắt đang hai đấu một, đành thuận thế miễn chức Lý Cương.
Hai người Uông, Hoàng vẫn luôn khuyên Triệu Cấu chuyển về Đông Nam. Tông Trạch trấn giữ Đông Kinh nghe xong liền liên tục dâng biểu, xin Triệu Cấu xa giá về Biện Kinh.
Khi ấy Tông Trạch đang ở biện kinh xây dựng quân đội, củng cố chiến hào, chiêu mộ lính tráng, đồng thời cũng ưu ái người tài, đề bạt tướng trẻ Nhạc Phi làm Thống chế, chiến công vang dội, quân dân Biện Kinh không ngừng ngợi khen.
Tông Trạch đang định viết thư cho Lý Cương, nhờ ông khuyên Triệu Cấu quay về Biện Kinh, chẳng ngờ thư còn chưa kịp gửi đi thì đã nghe tin Lý Cương bị biếm làm Quan văn điện đại học sĩ.
Tông Trạch phẫn nộ xé tan lá thư trên tay, lắc đầu thở dài liên tục.
Triệu Cấu nghe theo lời đề nghị của hai người, lệnh cho những binh lính tinh nhuệ hộ tống Long Hựu Thái hậu và các phi tần, cung nữ trong hậu cung khởi hành trước, sau đó chính mình mới dẫn binh xuống phía Nam.
Anh Phất từ khi được Triệu Cấu đưa vào cung liền ở lại bên cạnh y làm một thị nữ bưng trà rót nước. Triệu Cấu không đặc biệt trọng dụng nàng, ngoại trừ những lúc rảnh rỗi hỏi nàng một số chuyện cũ liên quan tới Nhu Phúc thì chẳng bao giờ liếc nhìn nàng lâu hơn một chút.
Nội dung chương bạn đang xem bị thiếu. Vui lòng truy cập website https://truyenhay.pro.vn để xem nội dung đầy đủ. Cảm ơn bạn đọc!