Hạ chí đã qua Canh thứ ba, bước vào giai đoạn sơ phục, trời oi bức ngột ngạt.
Lúa ngoài ruộng xanh mướt một màu, ve bám trên cây kêu râm ran không ngớt, khiến cái nóng mùa hè càng thêm phần bức bối. Trong thôn vẫn luôn có những đứa trẻ chẳng sợ nóng, tụm năm tụm ba chạy nhảy khắp đồng ruộng núi đồi.
Diệp Khê sợ nóng, cứ vào hè là người rũ rượi chẳng có tinh thần, suốt ngày rúc trong nhà không chịu ra ngoài, ăn cũng ít hơn. Lưu Tú Phượng gọi cậu ra ngồi dưới bóng cây ngoài sân cùng mình nhặt đậu xanh.
Vào sơ phục nghĩa là thời tiết càng thêm gay gắt, nhà nào nhà nấy đều bắt đầu nấu nước đậu xanh. Nấu một nồi lớn rồi bỏ xuống giếng ướp lạnh, đợi người nhà đi làm đồng về là có thể uống một chén lớn giải nhiệt, nếu không có món này, mùa hè sẽ cực kỳ khó chịu.
Diệp Khê ngồi khoanh chân trên chiếc giường tre, người hơi uể oải, động tác tay cũng chậm dần. Lưu Tú Phượng cười nói: "Lười nhác thế này thì sao mà được."
Diệp Khê ngáp một cái, đuôi mắt đỏ ửng: "Nhà thương con, cho con lười một chút cũng đâu sao."
Lưu Tú Phượng nhìn chiếc khăn che mặt trên mặt cậu, khuyên nhủ: "Trời nóng thế này, dù gì cũng chỉ ở nhà, con tháo ra đi, bịt mãi ra đầy mồ hôi."
Diệp Khê lắc đầu: "Đeo cũng không sao ạ."
Lưu Tú Phượng thấy khuyên không được thì thôi, liền dặn cậu lát nữa trời dịu hơn thì ra vườn hái ít dưa leo với cà chua về ngâm giếng, đến chiều vớt ra trộn chút dầu mè, vậy là có ngay món rau trộn mát lạnh.
Diệp Khê khẽ "dạ" một tiếng, lại nằm dài trên giường tre tránh nóng.
Một lúc sau, Lưu Tú Phượng nhặt xong đậu, Diệp Khê liền đứng dậy vào bếp nấu nước đậu xanh. Cậu canh lửa rất chuẩn, đậu xanh nấu ra luôn nhừ tơi, sánh mịn, thêm chút mật ong là thành món nước ngọt mà trên trấn bán mười văn một chén.
Diệp Khê chất đầy củi vào bếp, chậm rãi nấu nồi nước đậu xanh. Hơi nước bốc lên, mùi đậu xanh dần dần lan khắp căn bếp. Lưu Tú Phượng đứng bên ngưỡng cửa ngáp một cái. Bà đang thêu lót giày, cũng thấy hơi buồn ngủ, cái nóng mùa hè khiến người ta dễ mỏi mệt, buổi trưa lại càng díp mắt.
Bà nói lớn một câu: "Khê ca nhi à, mẹ vào phòng nằm một lát nhé."
Diệp Khê đáp "dạ" một tiếng, tiếp tục ngồi trông bếp.
Sau khi Lưu Tú Phượng đi rồi, Diệp Khê ngồi trong bếp, phe phẩy quạt mo, vừa nghe tiếng ve kêu ngoài sân vừa thấy cơn buồn ngủ kéo đến. Bỗng trong lò củi vang lên một tiếng "bốp" khô khốc, khiến cậu giật mình tỉnh táo lại.
Cậu đứng dậy mở nắp nồi, thấy đậu xanh bên trong đã nhừ nhuyễn, dùng mui khuấy một cái, nước trong nồi chuyển sang màu đục, xem chừng cũng sắp được rồi. Diệp Khê liền mang vò đất đến, múc đầy một vò nước đậu.
Sau đó cậu lấy một cái rổ tre, đặt vò sành vào rồi đem ngâm xuống dưới giếng. Nước giếng lạnh buốt thấu xương, chỉ cần một canh giờ là đủ làm mát nước đậu xanh.
Diệp Khê canh giờ cẩn thận, rồi trở về nhà chính thêu khăn tay. Đây là công việc để cậu tích góp tiền riêng, trấn trên có tiệm thu mua loại này, một chiếc khăn thêu thường thì được mười lăm văn, nếu là thêu hoa lớn hay thêu kín hết khăn thì giá còn cao hơn nữa. Có điều đây là việc hại mắt, cậu thường chỉ tranh thủ làm lúc rảnh rỗi.
Đợi đến khi mặt trời ngả về tây, Diệp Khê mới đặt kim chỉ xuống, ra khỏi nhà chính, kéo dây thừng lấy cái rổ dưới giếng lên, sờ thử vò sành, quả nhiên mát lạnh đến tê người.
Cha và đại ca đã dầm mình ngoài đồng cả buổi trưa dưới cái nắng chói chang, chắc hẳn đã khát khô cả cổ, cậu định mang vò nước đậu ra đồng cho họ giải nhiệt.
Diệp Khê đóng cửa rồi xách giỏ lên đường. Nắng như thiêu đốt, mới đi được mấy bước mà cả người đã đầm đìa mồ hôi. Cậu đứng nghỉ dưới bóng mát bên rừng, gió nhẹ thổi tới, cũng xua bớt phần nào oi bức.
Một nhóm trẻ con trong thôn ba năm đứa từ trong rừng lao ra, tay cầm que dính, có hai đứa còn xách theo giỏ tre nhỏ.
Diệp Khê gọi với theo: "Bắt được ve chưa đấy?"
Thằng bé họ Ngưu trong đám trẻ cười hớn hở: "Khê ca nhi, hôm nay bọn đệ bắt được nhiều lắm, đầy nửa giỏ rồi đó!"
Diệp Khê "ồ" lên một tiếng: "Vậy thì chắc mỗi đứa đổi được hai xâu kẹo rồi."
"Vâng vâng! Khê ca nhi bọn đệ đi trước đây!"
Dứt lời, một bầy trẻ con ríu rít chạy đi mất.
Diệp Khê mỉm cười, thấy bọn nhỏ thật đáng yêu. Trẻ con bắt ve có thể đổi lấy tiền xu hoặc kẹo, mùa hè này ve được chiên giòn hoặc xào đều rất ngon, mấy nhà phú hộ trên trấn rất thích món này. Nhưng bắt ve chẳng phải chuyện dễ, phải luồn lách cả cánh rừng, có con ve bám tận trên những cành cao vút, cầm gậy trúc cũng chẳng với tới, phải trèo lên cây mới được. Một ngày bắt không nổi mấy con, chỉ có người làm nghề này lâu năm mới có thể hằng ngày bắt được cả gùi.
Diệp Khê lại đứng dưới tán cây thêm một lúc rồi mới xách giỏ định tiếp tục đi tìm cha và anh, ai ngờ vừa xoay người liền thấy một người đàn ông cao to vác cuốc sắt đang đi về phía mình.
Là Lâm Tướng Sơn.
Nội dung chương bạn đang xem bị thiếu. Vui lòng truy cập website https://truyenhay.pro.vn để xem nội dung đầy đủ. Cảm ơn bạn đọc!