Chương 28: (Vô Đề)

Đến trấn thì trời vừa sáng hẳn, hai bên phố lác đác những sạp hàng được dựng lên, người bán bánh hấp, người bán màn thầu, bánh bao, lại có cả người viết chữ, vẽ tranh thuê.

Nếu nói nơi nào buôn bán tốt nhất, vẫn là quán canh lòng dê kia. Mười văn một chén canh lòng dê nóng hổi, thêm cái bánh ngũ cốc một văn tiền, vừa có thịt vừa no bụng.

Những chỗ tốt đã sớm bị người bán rau chiếm hết, Lâm Tướng Sơn gánh hai bó củi to, định vòng ra sau phố tìm chỗ, dặn Diệp Khê: "Mình cứ đi mua những thứ cần mua đi, đừng bận tâm chuyện tiền bạc. Nếu mua nhiều quá thì ra cổng thành đợi anh, anh gánh về cho."

Diệp Khê gật đầu, hai người liền tách nhau ra.

Phố xá đông đúc, tiếng rao hàng vang lên không ngớt, Diệp Khê nắm chặt túi tiền trong tay, vừa đi vừa hỏi giá. Mấy kẻ móc túi thích nhất là chợ phiên thế này, ngay cả mấy ông lão bảy tám mươi tuổi bán rau cũng từng bị lấy trộm tiền.

Lần này lên trấn chính là để mua con giống cho nhà. Trấn có quản lý chợ riêng, triều đình thu phí sạp, bán đồ tươi phải nộp hai văn, bán đồ ăn là ba văn, còn bán gia súc dơ bẩn thì phải đến miếu thờ ở phía Đông chợ, đóng sáu văn tiền.

Diệp Khê chen qua đám đông, đi thẳng đến chỗ miếu thờ. Chỗ này toàn bán gà, vịt, ngỗng, đi vào sâu bên trong còn có trâu, la và mấy con gia súc lớn.

Cậu liếc mắt nhìn vào bên trong vài lần, thầm nghĩ bao giờ mình với Lâm Tướng Sơn mới tích góp đủ tiền mua được trâu với la, nhà mà có được mấy con ấy thì mới thực sự coi là khá giả.

Sạp bán gà con, vịt con cũng có mấy nhà, giá cả đều ngang nhau. Gà con tám văn, vịt con mười văn, ngỗng thì đắt hơn, tận mười ba văn một con, đều là gia cầm giống nửa tháng tuổi, nuôi sẽ dễ sống hơn.

Diệp Khê nghĩ bụng nhà mình mới bắt đầu nuôi, chuồng trại còn chưa sửa xong, nuôi nhiều không tiện, chỉ nên mua vài con đủ đẻ trứng ăn dần, cuối năm mổ thịt để ăn qua mùa đông là được.

"Ta muốn mười con vịt con, mười lăm con gà con, có thể bớt chút được không?" Diệp Khê trả giá với chủ quán.

Chủ quán là một người đàn ông trung niên chừng bốn mươi tuổi, nghe tiếng liền ngẩng đầu lên, thì thấy một tiểu ca nhi dáng vẻ thanh tú, mặt mày như tranh hoạ, trông rất ưa nhìn, búi tóc của cậu đã vấn lên gọn gàng sau đầu, liền biết đây là một ca nhi đã thành thân.

"Tiểu phu lang à, không phải ta nâng giá không muốn bán đâu, mà giá chợ nó vậy rồi. Dù là mấy ông lớn trong trấn tới gom hàng trăm con, cũng chẳng bớt được đâu. Ngươi nhìn xem, gà con vịt con chỗ ta mập mạp khỏe mạnh, dễ nuôi lắm, nếu mang về nhà mà trong vòng một tháng có con nào chết bệnh, ngươi cứ mang xác đến, ta đền từng con một."

Diệp Khê nghe vậy cũng đi hỏi thử mấy sạp bên cạnh, quả nhiên đúng như chủ quán nói, giá đâu cũng như nhau, thế là cậu quay trở lại.

"Vậy làm phiền ông giúp ta lựa những con khỏe khỏe chút, nhà ta còn trông vào đám gà này để đẻ trứng ăn đó."

Chủ quán cười lớn, nhiệt tình đáp một tiếng, rồi thò tay vào giỏ tre bốc mấy con gà con lông xám, lông tơ mịn màng, mỏ vàng bé xíu: "Ngươi xem đi, đám này khỏe như vầy, bảo đảm lớn nhanh."

Diệp Khê hài lòng gật đầu: "Tốt quá, nếu nuôi tốt thì lần sau ta lại đến chỗ ông mua tiếp."

Chủ quán nghe thế càng vui, hỏi thêm: "Vậy muốn mấy con trống mấy con mái?"

Diệp Khê tính toán, nhà có hai người ăn trứng, nuôi bảy tám con mái là đủ, đến mùa đông thì thịt vài con hầm canh, bán thêm vài con lấy tiền tiêu vặt.

"Tám con gà mái, bảy con gà trống. Vịt thì lấy năm con mái là được."

Cậu tính toán rõ ràng trong bụng, biết nhà nghèo thì phải liệu cơm gắp mắm, chủ quán nghe xong thì tấm tắc khen: "Tiểu phu lang mới cưới không lâu phải không? Vậy mà đã biết lo toan vun vén việc nhà rồi, là người giỏi giang hiếm gặp đấy."

Diệp Khê cười nhẹ: "Nhà nghèo, nếu không tính toán tằn tiện, tích góp từng đồng từng hào thì e là khó sống nổi."

Chủ quán lựa gà vịt con xong thì bỏ vào gùi cho Diệp Khê, còn lót một lớp rơm dưới đáy: "Có phu lang như ngươi, nhất định là cuộc sống sẽ ngày càng tốt hơn thôi. Đi thong thả nhé, lần sau lại tới đây, ta giữ cho mấy con béo tốt."

Diệp Khê lấy từ túi tiền ra hai miếng bạc vụn cùng mấy chục đồng tiền lẻ đưa cho ông ta, cười nói: "Được, lần sau phải bớt cho ta một hai văn mới được đấy nhé!"

Mua xong gà vịt con, Diệp Khê lại tính mua thêm hai con heo con, nhưng đi một vòng quanh chợ mà chẳng vừa ý con nào. Con thì quá ốm yếu, con thì giá lại cao, quanh quẩn cả buổi mà vẫn chưa mua được.

Thấy mặt trời đã lên cao, Diệp Khê đành phải ghé mấy cửa hàng mua đồ dùng trong nhà trước. Muối và xì dầu trong nhà đều sắp hết, mỡ heo cũng chỉ còn một chút dưới đáy hũ, phải mua thêm dự trữ.

Muối khá đắt, mười lăm văn nửa cân, Diệp Khê mua luôn hai cân để dành ăn một thời gian, xì dầu thì rẻ hơn, đong một vò tốn hai mươi văn.

Đến lúc hỏi giá mỡ heo ở tiệm dầu, họ ra giá bốn mươi văn một cân. Diệp Khê lại đi ra sạp thịt hỏi giá mỡ lá, thì chỉ có hai mươi lăm văn một cân.

Cậu suy đi nghĩ lại, dù mỡ lá đem về thắng thì có hao hụt, nhưng thắng ra tóp mỡ có thể dùng để xào rau làm món mặn, vậy mua mỡ sẵn ở tiệm không lời bằng.

Thế là Diệp Khê móc ra tám mươi văn, mua một dây mỡ heo, tính đem về thắng một nồi lớn, đủ ăn tới tận cuối đông. Mùa đông lạnh ẩm thế này, không có chút mỡ chút thịt là không trụ nổi.

Nội dung chương bạn đang xem bị thiếu. Vui lòng truy cập website https://truyenhay.pro.vn để xem nội dung đầy đủ. Cảm ơn bạn đọc!