Chương 20: Huyệt ma trong biển cát

Đoạn đường đầu tiên của chuyến đi này xuất phát từ phía Tây Nam hồ Bostan, men theo dòng Khổng Tước đi về phía Tây một đoạn, cho đến khi tìm thấy dòng sông cổ chảy theo hướng Nam. Bostan dịch nghĩa ra là "đứng dậy", sở dĩ có tên gọi này, là bởi giữa lòng hồ có ba ngọn núi đứng sừng sững. Thời xưa người ta gọi hồ này là biển cá, là hồ nước ngọt lớn nhất của Trung Quốc, sông Khổng Tước phát nguồn từ đây, chảy sâu vào trong sa mạc Taklimakan.

Khi chúng tôi đi qua bờ hồ, phóng mắt nhìn xa, một dải nước xanh ngắt mênh mang khiến người ta choáng ngợp, trong lúc hoang mang, có cảm giác dường như đã đi đến nơi tận cùng của trời đất.

Hai ngày đầu, ba học trò của giáo sư Trần hết sức hứng khởi, bọn họ đều rất trẻ, lần đầu đi vào sa mạc, cảm giác vừa mới mẻ lại vừa thích thú, một lúc thì học lão Anliman huýt sáo chỉ huy lạc đà, một lúc lại đuổi đánh nhau, hát ca hớn hở.

Tôi cũng khấp khởi trong lòng, chỉ giận mình không thể ra nhập bọn đùa vui với họ được, có điều tôi là trưởng đoàn, phải nghiêm túc một chút, nghĩ tới đây, liền ngồi thẳng lưng lại, cố gắng khiến hình tượng của mình kiên nghị thêm chút nữa.

Đoạn đường đầu tiên này, theo lời lão Anliman, căn bản vẫn không thể coi là sa mạc, lòng sông của một số quãng vẫn chưa hoàn toàn khô cạn, cát chung quanh cũng rất nông, khắp nơi đều có các hồ nhỏ nằm rải rác, trên mặt nước thỉnh thoảng còn có một vài đàn chim âu và vịt mỏ đỏ bơi lôi, ven sông Khổng Tước, có những ốc đảo nho nhỏ, mọc đầy những cây táo gai, cây dương và một số cây bụi.

Qua đoạn sông này thì mới thực sự bước vào sa mạc, sông Khổng Tước bẻ dòng chảy theo hướng Đông Nam, phía ấy có Lâu Lan, La Bố Bạc, Đơn Nhã, chúng tôi đi theo hướng Tây Nam, tiến vào "sa mạc đen". Ông già Anliman nói sa mạc đen là do Hutai tạo ra để trừng phạt lũ dị giáo tham lam, chôn vùi vô số thành trì và của cải, nhưng chưa có bất kỳ ai có thể đưa được chúng ra ngoài, cho dù anh chỉ cầm một đồng tiền vàng, cũng sẽ mất phương hướng, lạc đường và vĩnh viễn bị gió cát vùi lấp, đừng hòng chạy thoát.

Đây là một sa mạc lưu động, gió thổi bạt đồi cát, địa hình mỗi ngày một vẻ, không có đặc trưng, dòng sông cổ đã biến mất từ lâu. Cũng may có lão Anliman, từ những thành trì, nhà cửa, lầu tháp bị cát vàng chôn vùi, chỉ lộ ra nửa nóc; những cây dương bị gió mạnh thổi nghiêng ngả một góc ba mươi độ với mặt đất, cho đến mấy cây saxaul (tên cây) nho nhỏ trong sa mạc, đều không thoát khỏi đôi mắt lão luyện của ông già.

Những thứ ấy xâu chuỗi lại, sẽ nói lên một điều, sông Khổng Tước cổ từng chảy qua đây, nơi tận cùng của dòng sông đã biến mất này, chính là thành cổ Tinh Tuyệt bị Hutai vất bỏ trong truyền thuyết.

Gây ấn tượng sâu sắc nhất đối với chúng tôi trong sa mạc này chính là những cây dương ngàn năm, nếu không tận mắt trông thấy, ai mà tin được trong sa mạc cũng có cây cỏ. Mỗi cây dương đều tựa như một con rồng dũng mãnh, tất cả cành cây đều nghiêng lệch về phía Đông, tựa hồ như con rồng ấy đang sải chân lao trên sa mạc, trong môi trường khắc nghiệt ấy, trải qua hàng ngàn năm, sớm đã chết khô từ lâu, cành cây bị gió thổi cho gần ép sát mặt đất, thế nhưng vẫn không hề đổ xuống.

Tia nắng đầu tiên xuất hiện nơi đường chân trời, rọi đỏ cả đám mây nơi góc trời, ráng trời rực rỡ phủ trùm lên những cồn cát nhấp nhô trong sa mạc, khóm cây dương cằn cỗi, dải cát vàng như những vạt sóng, tất cả đều được nhuốm một màu vàng gạch, sắc màu sặc sỡ, như một bức tranh tráng lệ đang được trải ra giữa trời đất mênh mông.

Mọi người muốn tránh cái nắng gắt giữa trưa, nên đi bộ suốt đêm, đương lúc mệt mỏi, được thấy cảnh sắc này, ai nấy đều phấn chấn tinh thần, Shirley Dương thốt lên: "Sa mạc đẹp quá! Lạy Chúa tôi! Mọi người nhìn cây dương kia kìa, trông như con rồng thần vàng óng trên sa mạc vậy", nói xong, liền lấy máy ảnh ra, bấm máy liên tục, hy vọng có thể lưu lại được cảnh sắc tuyệt đẹp này.

Khi mọi người đang đắm chìm trong cảnh đẹp, tôi phát hiện ra lão Anliman đang ngây người nhìn vầng mặt trời mới mọc, nét mặt thấp thoáng đôi chút bất an, liền chạy lại hỏi: "Sao vậy hả ông? Có phải sắp trở trời?" Vì hồi ở nhà tôi cũng có nghe nói "ráng sớm chớ ra đường, ráng chiều đi muôn dặm", ráng mây đỏ rực buổi sớm, chắc chẳng phải điềm tốt lành gì.

Hôm nay đã là ngày thứ năm kể từ hôm xuất phát, và là ngày thứ ba kể từ khi tiến vào sa mạc đen, phía trước là di chỉ thành cổ Tây Dạ, chúng tôi vốn dự kiến ngày mai sẽ tới đó, nhưng lão Anliman bảo cơn bão này rất lớn, xây tường cát cũng khó chắn được, nếu không mau chóng đến được thành cổ Tây Dạ, chúng tôi đều sẽ bị chôn sống trong sa mạc.

Tôi nghe ông già nói vậy, biết chuyện này không phải trò đùa, chỗ này cách di chỉ thành cổ Tây Dạ còn hơn nửa ngày đường, ngộ nhỡ trên đường xảy ra chuyện gì làm chậm trễ, chắc sẽ rắc rối to, thế nhưng đi suốt một đêm, mọi người đều mệt phờ cả rồi, trong đoàn lại có người già và phụ nữ, liệu họ có tiếp tục kiên trì được hay không, điều này khó nói vô cùng.

Tôi nhảy lên lưng lạc đà định gọi mọi người mau khởi hành, thì lại thấy lão Anliman trên lưng lạc đà chậm rãi bước xuống, lôi một tấm thảm ra, từ từ trải trên cát, quỳ lên trên, hai mắt nhắm lại, sắc mặt thành khẩn, dang rộng đôi tay hướng lên bầu trời, sau đó bưng mặt, cất giọng tụng kinh.

Ông ta đang cầu khấn Đức Allah đây, mỗi buổi sáng đều phải cầu nguyện, tôi thấy ông lặng yên thư thái, tưởng rằng vụ sắp có bão gió tối nay không mấy nghiêm trọng, nên cũng nhẹ nhõm cả người, đi ra ngắm cảnh với Tuyền béo, Shirley Dương và mọi người.

Ai ngờ lão Anliman cầu nguyện xong, dường như biến thành một người khác, cả người ông già như lên dây cót, hai ba nhát đã cuộn xong tấm thảm, rồi bật nhảy lên con lạc đà như chiếc lò xo, sau đó huýt một tiếng sáo dài: "Uýt... mau chạy đi mà, chạy chậm rồi thì sẽ bị chôn xuống cát đen à..." Lão thúc những con lạc đà phía dưới rồi chạy trước.

Tôi chửi một câu: "Mẹ kiếp lão già chết tiệt". Tình hình gấp gáp như thế, vừa nãy lão còn khoan thai cầu khấn, giờ lại chạy tót đi, rồi mới gọi mọi người lên đường.

Lũ lạc đà cũng cảm nhận được tín hiệu nguy khốn truyền đến từ bầu trời, như phát điên, chúng sải bốn chân chạy thục mạng trên sa mạc, bình thường ngồi trên lưng lạc đà chậm bước, lúc la lúc lắc cũng thấy thú vị, nhưng khi chúng chạy thì xóc kinh khủng, chúng tôi ôm chặt lấy lưng lạc đà, chỉ sợ giữ không chắc sẽ ngã xuống.

Đoàn lạc đà chạy nhanh trên sa mạc, cát vàng bụi mù cuốn lên thành con rồng khổng lồ, mọi người đều đeo kính chắn gió, lại dùng khăn trùm đầu bịt mũi miệng. Tôi nhìn chung quanh, càng lúc càng cảm thấy có gì đó không ổn, lũ lạc đà hoàn toàn không thể khống chế, trừng mắt, thở phì phò, bám sát theo con lạc đà của lão Anliman, lao như một cơn lốc, xem ra sự việc còn nguy cấp hơn nhiều so với những gì tôi nghĩ.

Điều tôi lo lắng nhất chính là có thành viên nào đó bị lạc đà hất văng xuống, định hô cho lão Anliman phía trước chạy chậm lại một chút, nhưng chẳng kịp mở miệng, mà căn bản là chẳng thể nào mở miệng nổi, bởi hễ mở miệng ra là cát bụi sẽ xối vào.

Tôi chỉ có thể không ngừng ngoảnh đi ngoảnh lại, đếm số người trên lưng lạc đà, chạy một mạch đến giữa trưa, tuy lũ lạc đà dai sức, nhưng cũng đã mệt đến mồ hôi ròng ròng, không thể không đi chậm lại, cũng may là không ai rớt đoàn.

Lão Anliman bảo mọi người tranh thủ ăn mấy miếng lương khô, uống ngụm nước, không phải lo hết nước, dưới di tích thành Tây Dạ, có thể tìm thấy mạch nước ngầm, ở đó sẽ bổ sung nước sau. Ăn no uống đã, để lũ lạc đà nghỉ ngơi lấy lại sức, cũng may cũng không còn quá xa nữa, có điều vẫn phải lập tức chạy tiếp, nếu không sẽ không kịp.

Mọi người lấy bánh và thịt khô ra, ăn quấy quá mấy miếng, tôi và Tuyền béo đều lo cho mấy tay trí thức này, lần lượt hỏi từng người xem có bị làm sao không.

Giáo sư Trần đã có tuổi, ngồi trên lưng lạc đà xóc lên xóc xuống, giờ thở hồng hộc chẳng nói được câu nào; cô nữ sinh Diệp Diệc Tâm trẻ tuổi nhất đoàn thì nôn ọe, hai người họ chỉ uống chút nước, chẳng ăn được gì.

Khốn khổ nhất là Hách Ái Quốc, cặp kính cận của anh ta bị rơi mất, chẳng nhìn rõ thứ gì, cứ cuống hết cả lên, may mà anh nghiên cứu sinh Táp Đế Bằng cũng cận, đem theo một cặp kính đề phòng, độ cận thị của họ gần như nhau, nên mới giải nguy được cho Hách Ái Quốc.

Shirley Dương và Sở Kiện, anh chàng cao to, thì chẳng hề hấn gì, đặc biệt là Shirley Dương, có lẽ cô có gen di truyền của người cha ưa mạo hiểm, mà cũng có thể vì cô ta sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, có tinh thần mạo hiểm mạnh mẽ, cơ địa lại khỏe khoắn, cả đêm không ngủ, lại hùng hục rong ruổi trên sa mạc hơn nửa ngày trời, cũng không thấy cô ta mệt mỏi, ngược lại thần sắc vẫn rất tươi tỉnh, còn giúp lão Anliman gia cố thêm đống đồ đạc trên lưng lạc đà nữa.

Một cơn gió nhẹ thổi qua đồi cát, cuốn lên những sợi cát mịn, chân trời xa xa, dần chuyển thành màu vàng nhạt, lão Anliman vội hô lớn: "Tín phong đến rồi à, đừng nghỉ nữa mà! Đức Allah phù hộ, chúng ta bao nhiêu người thế này, mau chạy đi mà!"

Những thành viên của đoàn khảo cổ lê thân thể mệt nhọc, một lần nữa trèo lên lưng lạc đà, lúc này chẳng còn để ý xem sức khỏe của lạc đà thế nào nữa, cứ thúc chạy thật nhanh.

Vừa nãy bầu trời vẫn còn sáng trong, dường như trong nháy mắt đã tối sầm lại, cơn gió ập đến quá nhanh, bụi cát bị gió cuốn lên mỗi lúc một nhiều, ba bề bốn bên ngập trong dải cát bụi mù mịt trời đất, tầm nhìn mỗi lúc bị thu hẹp. Trong cơn hỗn loạn, tôi lại đếm nhẩm số người trong đoàn, cộng thêm cả tôi, cả thảy tám người, ai đó rớt lại rồi?

Nội dung chương bạn đang xem bị thiếu. Vui lòng truy cập website https://truyenhay.pro.vn để xem nội dung đầy đủ. Cảm ơn bạn đọc!