Sau tiết sương giáng(*), tấu biểu bẩm báo về mùa vụ năm nay của các địa phương lần lượt được đưa lên triều đình.
(*) Ngày 23 hoặc 24 tháng 10 âm lịch hàng năm
Do năm nay mùa xuân và mùa hạ trời hạn hán, nhiều châu phủ đều sớm báo cáo có thiên tai, thậm chí đến mùa thu còn xảy ra nạn châu chấu, không thu hoạch được một hạt gạo, dân đói lưu tán khất thực tứ phương, tình hình vô cùng nghiêm trọng.
Để kiếm danh tiếng, ngoài số tiền giúp nạn dân bị thiên tai của bộ Hộ, Dự vương còn lấy cớ cắt giảm chi tiêu trong phủ, tiết kiệm quyên góp thêm ba vạn lượng bạc trắng để vỗ về dân chúng, nhận được rất nhiều lời khen ngợi.
Tĩnh vương vốn không có nhiều của cải, lại nuôi một đám đông trẻ mồ côi của binh lính đã tử trận, Tĩnh phi trong cung cũng không giúp đỡ được cho nên không thể hào phóng như vậy, nhất thời có phần thua kém Dự vương.
Đúng lúc này tại Phủ Châu lại xảy ra một vụ đại án cướp của giết ngưòi, chặn giết đoàn xe chở hàng, kinh động đến bộ Hình khiến bộ này phải phái người đến xem xét điều tra. Cuối cùng vụ án này được phá, tài sản bị cướp cũng tìm lại được, còn bắt giữ một số kẻ cưóp, kết án thuận lợi.
Việc này vốn nói nhỏ cũng không nhỏ, nói lớn cũng không lớn, chẳng qua là bộ Hình phá án mau lẹ nên được khen ngợi. Không ngờ cuối cùng lại điều tra ra là đoàn xe chở hàng được một đội bảo tiêu hộ tống này vốn chở quà của tri phủ Nhạc Châu tới biếu Dự vương theo thường lệ, tổng số không dưới năm ngàn lượng vàng.
Nhạc Châu là một trong những châu năm nay bị thiên tai nặng nề nhất, trong thời gian đợi triều đình cứu tế đã từng có người chết đói, những tên cướp bị bắt đều nói là không cam lòng nhìn số vàng này được đưa vào kinh nên mới mạo hiểm cướp của trả lại cho nạn dân.
Tin tức lan ra, rất nhiều dân chúng Nhạc Châu liên danh thỉnh cầu giảm tội cho những kẻ cướp, trong ngoài triều xôn xao khiến Dự vương tối tăm mặt mũi, không còn thể diện gì, nhiều lần đứng ra tuyên bố mình không biết chuyện tri phủ Nhạc Châu biếu quà, trước kia cũng chưa bao giờ nhận quà của các châu phủ địa phương.
Mặc dù hắn cố gắng bác bỏ nhưng triều thần có mấy người tin, Nhạc Châu năm được mùa không biếu xén mà năm thiên tai lại biếu, nói vậy thì thật khó chấp nhận.
Vì chuyện bê bối này, dù Hoàng đế Đại Lương công khai chỉ trích Dự vương nhưng đã lệnh cho hắn không được nhúng tay vào việc cứu giúp nạn dân thiên tai để tránh điều tiếng, rồi phái Tĩnh vương làm thay.
Tĩnh vương và thượng thư bộ Hộ Thẩm Truy vốn đã có giao tình, hai người phối hợp ăn ý, đôi bên không làm vướng tay vướng chân nhau. Hơn nữa cả hai đều là người rất nguyên cẩn, rất nguyên tắc, sau khi hoặc xử tử hoặc cách chức các quan lại châu phủ không biết hướng gió vẫn rập khuôn làm việc xấu theo thông lệ, cục diện nhanh chóng được khống chế.
Dù không dám nói là giải quyết công việc từ trên xuống dưới thanh liêm như nước, nhưng so với tình hình mười phần bạc chỉ có ba phần đến tay nạn dân như những năm trước thì thật sự là một trời một vực.
Thẩm Truy là một người chăm chỉ, không ngồi yên trong kinh thành, đã xin chỉ được đích thân đến khu vực thiên tai tuần tra, nhất quyết theo đuổi mục tiêu hạn chế ít người chết nhất, không có bạo loạn, dân chúng bình an sống qua mùa đông, năm sau vụ xuân không bị bỏ hoang.
Tĩnh vương và hắn ngày ngày thư qua thư lại, vắt hết óc suy tính tìm cách để cuộc sống của nạn dân được phục hồi nhanh nhất có thể.
Về mặt này, dù Tĩnh vương không có nhiều kinh nghiệm nhưng Mai Trường Tô hơn mười năm sống trong giang hồ, thấu hiểu dân tình, dưới tay cũng có rất nhiều thủ hạ lăn lộn sống ở tầng đáy của xã hội nhiều năm, nên chàng dễ dàng đưa ra một số đề nghị cho Tĩnh vương để hắn thảo luận với Thẩm Truy.
Vị thượng thư đại nhân kia khảo sát một thời gian ở hiện trường, ý kiến đưa ra cũng có nhiều điểm rất giống ý kiến của Tĩnh vương, chính hắn cũng bổ sung mấy điều, cuối cùng viết thành tấu biểu trình lên Hoàng đế Đại Lương.
Những năm trước, thiên tai dễ sinh ra bạo loạn đều vì nạn dân không có ăn không có mặc, lại không có việc gì làm, sau thời gian thiên tai không thể cày cấy vụ xuân nên trong lòng tuyệt vọng, chỉ cần có vài lý do nho nhỏ đã có thể dẫn đến đại loạn, đây luôn là chuyện đau đầu nhất đối với triều đình.
Tấu biểu của Tĩnh vương và Thẩm Truy chủ yếu nhằm vào điều này, mặc dù điều trần rất nhiều nhưng tổng kết lại thì chủ yếu là trước hết phải làm cho nạn dân được no bụng, sau đó căn cứ vào tình hình thực tế của các châu để bố trí dân chúng làm các nghề phụ cầm cự qua cơn đói kém.
Chẳng hạn như Vị Châu gần sông có nhiều cò hương bổ có thể dệt túi, làm chiếu, sau đó được chở vào kinh bán rất đắt hàng. Các châu khác cũng có những nghề tương tự có thể khai thác để kiếm lợi. Đồng thời nhân lúc thời tiết còn có một, hai tháng ấm ấp, công bộ triều đình triệu tập nạn dân có sức khỏe mà không có tay nghề tiến hành thi công các công trình như sửa đường xây cầu, nạo vét đường sông, khai khẩn đồi núi, khai thác khoáng sản dùng sức lao động đổi tiền công, một số châu thời tiết vào mùa đông không bị đóng băng thậm chí có thể thi công đến tận mùa xuân năm sau.
Hạt giống vụ xuân vùng thiên tai được quan phủ cấp phát riêng, dân cày không có hạt giống có thể đến lĩnh, thuế má trong năm được miễn toàn bộ, nếu năm tiếp theo được mùa thì tính cộng tiền hạt giống không tính lãi vào thuế.
Bằng vô số biện pháp như vậy, nạn dân được lợi hơn những năm trước, bạc cứu tế của triều đình lại phải chi ít hơn nhiều, đa số nạn dân có việc làm, dù chưa thể hoàn toàn tự cấp tự túc nhưng cũng tốt hơn so với đi khất thực khắp nơi hay ngồi không đợi quan phủ phát cháo.
Nếu những nơi quan phủ có đầu óc linh hoạt sắp xếp phù hợp thì những đau khổ do thiên tai gây ra lại càng giảm bớt.
Từ khi tấu biểu này được Hoàng đế Đại Lương thẩm duyệt và đưa vào thực hiện tới nay đã mang lại hiệu quả rất tốt. Không chỉ có cục diện ổn định, không xảy ra đại loạn mà quốc khố cũng ít hao tổn vì thiên tai, đồng thời còn mở tiền lệ cho việc chỉnh đốn hành vi của quan viên địa phương.
Hình tượng lên ngựa có thể chiến đấu, xuống ngựa có thể tri dân của Tĩnh vương thêm một bước được xác lập, danh tiếng của Thẩm Truy cũng tăng cao, ngày càng có uy vọng trong triều. Dự vương tìm cách lôi kéo hắn mấy lần nhưng cuối cùng vẫn không đắc thủ.
Đến cuối năm, tỉ thiên giám dâng tấu báo phía đông nam có ánh sáng đỏ phạm vào sao tử vi, tinh tượng mờ nhạt.
Hoàng đế Đại Lương nhân thể hạ chỉ nói Thái tử vô đức, trời đã cảnh báo, vì vậy phế Thái tử thành Hiến vương, ra lệnh rời khỏi kinh thành đến Hiến Châu. Đồng thời lại ban thêm cho Tĩnh vương hai viên ngọc, trở thành thân vương thất châu như Dự vương.
Khi ý chỉ này được ban ra, Dự vương đã nhận được tin tức trước một bước đang nổi giận lôi đình trong thư phòng, những thứ có thể đập gần như đều đã đập hết, ngay cả chậu huệ lan hắn rất thích cũng không may mắn thoát được kiếp nạn, không ai dám đến gần tâm bão, chỉ có Tần Bát Nhã đã lâu không lộ diện là coi như có chút dũng khí, vẫn đứng trong góc phòng nhìn Dự vương nổi đóa.
Đợi Dự vương đã phát tiết gần hết lửa giận trong lòng, vị tài nữ Hồng Tụ Chiêu này mới cười lạnh. "Cái gọi là người có được kỳ lân tài tử sẽ có được thiên hạ của Lang Gia các quả thật không sai chút nào!"
Câu nói này như một mũi dao đâm sâu vào trái tim Dự vương, hắn bỗng nhiên xoay người lại, hai mắt long sòng sọc nhìn Tần Bát Nhã, cả giận nói: "Ngươi nói vậy là ý gì?"
Nội dung chương bạn đang xem bị thiếu. Vui lòng truy cập website https://truyenhay.pro.vn để xem nội dung đầy đủ. Cảm ơn bạn đọc!