Chương 5: Cỏ xanh sương phủ trắng I

Đế Húc trở nên u mê tàn bạo đã chẳng phải chuyện ngày một ngày hai. Trong suốt tám năm hằng đêm trằn trọc thao thức đợi bình minh, cái kiệt quệ trong y dường như không phải sự thanh tao nhã nhặn và trấn tĩnh cẩn thận mà là tuổi thọ. Kể từ ngày đăng cơ, ngồi trên ngai vàng đã là một thân xác vô hồn ngày một rữa nát.

Y biết mọi người đều nói vậy. Mọi người đều tránh né y, bởi y là hoàng đế, hơn nữa còn là một hoàng đế hung tàn. Từ trong cung đến ngoài triều, không ai dám chạm mắt với y, dẫu vậy, y vẫn nhìn ra mây mù của sợ hãi và thầm oán dày đặc trong cung đình. Tám năm trời đất đảo điên, trong loạn thế thập diện mai phục, y tung hoành ngang dọc đánh đông dẹp tây, trận Hồng Dược Nguyên máu chảy trôi chèo, mười dặm đỏ thẫm.

Giờ đây quốc thổ chia năm xẻ bảy đã được gắn kết lại, chí ít y cũng có quyền không tiếp tục lo liệu những chuyện ngàn đầu vạn mối ấy nữa, chỉ cần thiên hạ thống nhất, mọi người sẽ tự xử lí cuộc sống của mình. Cơ mà, y ngắm chậu cây gừa xinh xắn trong tay, nhẹ nhàng ngắt rụng một nhánh cành mọc ngược, cắt sửa cây cối mà còn phải hỏi ý kiến cây thì không khỏi rầy rà quá rồi.

Hai mươi mốt năm trước, phiến loạn xảy ra vào cuối hè năm Lân Thái thứ hai mươi bảy. Năm ấy thời tiết nóng bức, trời nắng chói chang, ai nấy đều bảo là loạn tượng. Khi đó y mười bảy tuổi, lễ đại xã (*) lập xuân vừa thụ phong Húc vương. Cha y Đế Tu chết bệnh, chú ruột Nghi vương Chử Phụng Nghi mượn cớ trấn áp rối loạn trong kinh kỳ, giả tiếng cần vương tiến quân, mưu đồ soán vị. Nhất thời bốn bề binh biến, lũ lượt kéo đến dưới thành, đốt lửa giữa đêm, chiếu Thừa Tắc Môn đỏ rực nửa ngày.

Binh mã thay quân của tam đại doanh đã ra đi hơn một tháng, sáu vạn nhân mã Vọng Quân Quan và Mạc Hột Quan thì đồng thời phản bội quay lại bao vây đế đô. Trong đế đô chỉ còn lại gần ba vạn quân Cận Kỳ Doanh, hai vạn lính Cấm Vệ Vũ Lâm, Thiên Khải thất thủ là chuyện đã ngã ngũ. Chỉ mình y dẫn người chống cự, mạo hiểm rút ra ba ngàn Vũ Lâm quân, muốn hộ vệ thái tử Bá Diệu mở đường máu ra khỏi đế đô, toan tính hồi sinh. Nào ngờ y khổ chiến không lùi, tự tay đâm chết ba tên lính đào ngũ và mấy chục phản quân leo lên thành, cuối cùng cầm cự được đến lúc ba ngàn Vũ Lâm quân vòng về Thừa Tắc Môn thì lại chẳng thấy bóng dáng Bá Diệu đâu. Thái tử Bá Diệu xưa nay bạc nhược yếu, còn mang khí tiết thà chết ngu muội gàn bướng, đã tuyên bố chung mạng với nước nhà, tuyệt vọng treo cổ tự sát. Tiên đế để lại bốn người con trai, người con thứ ba Thúc Vân chết sớm, con út Quý Sưởng bị đưa sang nước Chú Liễn ở Lôi Châu Tây Lục từ nhỏ làm con tin, hôm nay Bá Diệu cũng chết, đích tử hoàng thất ở Trung Châu chỉ còn lại mình y.

(*) Lễ lập đàn cúng tế thần đất thần núi, cầu phúc báo công cho trăm họ của nhà vua cổ đại.

"Uổng công ta liều chết bày một con đường sống cho hắn, Bá Diệu." Trọng Húc chém phăng một tên phản quân leo thành rơi xuống, "Cứ thế chết mất không báo tiếng nào."

Người trên thành ngã xuống một người lại bổ khuyết một người. Ba ngàn Vũ Lâm quân chạy đi chạy về không đến nửa giờ mà xác chết đầu thành đã chất cao nửa người, bèn dứt khoát lấy làm gỗ đá, đẩy xuống thành.

"Điện hạ… Không, bệ hạ! Xin cho chúng thần hộ vệ ngài đi Hãn Châu chiêu binh mãi mã, tiêu diệt nghịch tặc!" Vũ Lâm thiên kị mặc giáp nặng, hai đầu gối chạm đất đánh đùng một tiếng.

Trọng Húc quay đầu lại, nhìn kĩ dung mạo bị mũ giáp che khuất của vị thiên kị trẻ tuổi kia rồi mỉm cười thật khẽ, trỏ xuống lá đại kỳ chữ "Tô" nổi bật trong ánh lửa giữa muôn trùng cờ xí hỗn loạn của phản quân, "Ngươi có quan hệ thế nào với Tô Tịnh Phi?"

Giọng y không lớn, mấy người chung quanh nghe thấy câu này, trong lòng đều rùng mình.

Thiên kị trẻ tuổi ngẩng lên, dõng dạc đáp: "Con thứ Tô Minh."

Dưới khói lửa đầu thành, gương mặt thẳng thắn vô tư, rõ ràng không quá giống thái thú Đồ Lâm Quận phiến loạn Tô Tịnh Phi.

"Tô Minh, ngươi hộ vệ ta tức là phải đối mặt với binh khí của cha ngươi đấy." Trọng Húc mỉm cười, thân không khoác giáp, máu tươi vấy bẩn khuôn mặt trắng tựa ngọc mão của y, bèn nghiêng đầu chùi vào vai tấm bào cẩm tú.

"Trước năm mười bốn tuổi, mạt tướng không biết mình có cha, sau này cũng không có ý định nhận cha."

"Đao ngươi đeo thì lại là loại đao thẳng lưỡi rộng thép ròng khắc hình trùng bọ mà con em nhà họ Tô thường dùng đấy nhỉ."

"Đó là di vật của mẹ thần, mạt tướng xin thề dùng đao này quyết một phen sống mái với Tô Tịnh Phi, hôm nay xin được làm tiên phong, dọn đường thay bệ hạ, thỉnh cầu bệ hạ tác thành nguyện vọng này của Tô Minh." Tô Minh nói đến cuối, giọng không kìm được chập chờn, mắt lấp loáng ánh nước.

"Ngươi còn trẻ, đám phản quân dưới thành lại là hạng dụng binh lão luyện, ngươi thế này chẳng phải ắt dẫn thuộc hạ chịu chết sao?"

Tô Minh quật cường mím môi không đáp.

"Vậy cũng khỏi cần. Ban nãy bao nhiêu người chết vì yểm hộ Bá Diệu đã uổng phí lắm rồi, chúng ta không chịu nổi hao tổn binh mã như vậy tiếp nữa." Trọng Húc ngước mắt xem sắc trời, đã gần nửa đêm, trên Thừa Tắc Môn gió mạnh thổi ngược, y lấy cung khảm sừng ra, ngửa mặt bắn vút một tiếng. Tiếng vút kia khác với bất kì ai, hệt tiếng chim cắt, vang dội sắc bén.

Tiếng vút đó vừa biến mất trong bầu trời đêm thăm thẳm, trong cánh phải trận doanh phản quân dưới thành bỗng nổi lên dị động, một nhánh nhân mã mang cờ hiệu "Thanh Hải" đâm nghiêng đánh về phía cổng thành, chính là quân Lưu Thương dưới quyền Thanh Hải công. Chuyện xảy ra quá đột ngột, phản quân không kịp ứng phó, bị Lưu Thương quân phá tan hàng ngũ. Trước cổng thành là quân Hà Nguyên chủ lực của Viêm vương Chử Phụng Nghi, phản ứng nhanh nhạy, lập tức chém giết trước cổng thành, bộ Vương Diên Niên, bộ Tào Quang, bộ La Tư Viễn, bộ Tô Tịnh Phi ở hai bên và đằng sau đều là tướng trấn thủ các nơi tụ tập kéo đến, lúc này chỉ án binh bất động, không muốn cuốn bừa vào hỗn chiến. Hà Nguyên quân kẹp trái bọc phải, trận hình Lưu Thương quân càng đánh càng mỏng, dần biến thành hình một hàng dài, từ cổng thành rồng rắn ra ngoài hơn một dặm. Đúng lúc ấy, trong quân Lưu Thương bắn một tiếng vút lên trời, cùng một âm thanh với tiếng Chử Trọng Húc bắn trên Thừa Tắc Môn. Theo tiếng, cổng thành bỗng bật mở, một đội nhân mã xông thẳng ra từ đô thành.

Trận hình quân Lưu Thương tuy mỏng song vô cùng dẻo dai, khó lòng cắt đứt, Hà Nguyên quân đang khổ chiến, thình lình trong quân Lưu Thương lại vang thêm một tiếng vút, binh sĩ vốn đang lưng xây lưng đối phó với binh sĩ quân Hà Nguyên hai bên đột nhiên đồng loạt nhào lên trước chém giết, trận rồng rắn tức khắc tách thành hai hàng trái phải, mở một lối đi máu thịt dẫn từ trước cổng thành ra ngoài, hơn sáu ngàn binh mã trong đô thành lao ra theo lối đó, trận rồng rắn theo sau khép lại, lần lượt thu rút, bọc quanh sáu ngàn kỵ binh kia, tổng cộng hơn bốn vạn người cứ thế thoát khỏi đế đô. Bên cạnh thiếu niên dẫn đầu phấp phới một lá cờ đen thêu rồng cuộn chỉ vàng. Trong quân Hà Nguyên có kẻ lanh mắt đã sớm nhận ra đó chính là lá soái kỳ cao tổ bản triều sử dụng khi khởi binh năm xưa, vẫn luôn được thờ trong thái miếu cấm thành, lập tức báo với Chử Phụng Nghi.

Quân Lưu Thương lâm trận phản bội quá bất ngờ, Vũ Lâm quân và Lưu Thương quân giương lá cờ này tất là có đích tử tông thất chạy trốn, Chử Phụng Nghi tuy giành được đế đô song trong lòng vô cùng không vui, đợi đến khi quân phản loạn tiến vào cấm thành, biết được người chạy trốn không phải thái tử Bá Diệu mà là Húc vương Trọng Húc, không khỏi giậm chân bình bịch, nói: "Kẻ này hung hiểm, kẻ này hung hiểm."

Hơn bốn vạn binh mã ra khỏi đế đô, một đường hướng bắc. Phản quân bộ La Tư Viễn cắn chặt không tha, chịu thiệt mấy lần, chỉ đành bám theo phía sau, rình cơ tấn công. Phe Chử Trọng Húc vừa đánh vừa đi, lúc đến được đèo Kỳ Việt thì đã là chính ngọ hôm sau, đội ngũ dần thu bớt.

Tô Minh thúc ngựa lên đi bên cạnh Trọng Húc, lúc lúc lại liếc y. Húc vương chỉ mới mười bảy tuổi nhưng gương mặt hoàn toàn không có vẻ ngây ngô, ánh mắt sáng rỡ sắc sảo, có thể thấy là một người lòng ôm chí lớn. Trong lòng Tô Minh không khỏi suy tư.

Thanh Hải công Phương thị là vương công khác họ hiếm hoi của bản triểu, đất phong ở quận Lưu Thương bán đảo Kình Lương vùng Lan Châu, kiêm chưởng quản Lưu Thương quân, tự phụ là một dòng nguyên huân khai quốc nên xưa nay không mấy hòa thuận với Đế Tu. Lần này Nghi vương phản loạn có câu kết với Thanh Hải công vốn cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên, ngạc nhiên là ở chỗ Lưu Thương quân của Thanh Hải công đã sớm bàn xong biện pháp với Húc vương, dưới thành binh biến, trong ứng ngoài hợp, đến trận pháp dường như cũng đã được tập trận nhuần nhuyễn từ trước. Câu Húc vương nói bày một con đường sống cho Bá Diệu hóa ra có ý này.

"Húc ca, Húc ca!"

Trọng Húc nghe thấy tiếng gọi, vội vã ghìm ngựa, chỉ thấy một người cưỡi tuấn mã Hãn Châu lội ngược đại quân chạy về phía y. Tới gần, rất ư phấn khởi tháo mũ giáp, để lộ một gương mặt trắng trẻo thanh tú, hiển nhiên là một thiếu niên quý tộc, vóc dáng cao ráo, phỏng chừng kém Trọng Húc một, hai tuổi.

Trọng Húc thấy khóe miệng thiếu niên có một vết đao mới nhàn nhạt, bèn lấy tay áo mình lau vết thương cho thiếu niên, nhưng máu mãi chẳng chịu ngừng.

"Giám Minh, đệ làm sao mà hốc hác thế này?"

Nội dung chương bạn đang xem bị thiếu. Vui lòng truy cập website https://truyenhay.pro.vn để xem nội dung đầy đủ. Cảm ơn bạn đọc!