Chương 4: Động xác

Mấy người đồng hành của chú Ba đều là dạng thông thạo chuyện giang hồ nên tôi cực kì tin tưởng họ. Phan Tử vừa dứt lời, tôi lập tức hiểu ý, cũng lấy hành lý cá nhân rồi đeo lên lưng, tránh cho đồ đạc để trên xe bò bị người ta cuỗm mất. Trên đường đi tới đây tôi đã gặp không ít chuyện lừa đảo, coi như học hỏi thêm chút kiến thức và vài biện pháp đề phòng cơ bản.

A Khuê cũng để mắt đến tôi, bảo tôi chú ý bám theo, cẩn thận kẻo bị lạc. Tôi thấy sắc mặt hai người kia đều có vẻ khó coi, cũng không rõ ông lão này có gì bất thường, bỗng dưng cảm thấy hồi hộp. Đúng lúc này, Lư Đản Đản bì bõm bơi trở về, ông lão liền rút tẩu thuốc, đập đập lên ống quần: "Đi thôi! Thuyền tới rồi."

Tôi nhìn qua, quả nhiên có một con thuyền đáy bằng bơi ra từ phía sau núi. Thuyền bằng xi măng, phía sau còn buộc thêm một cái bè, đầu thuyền có một gã trung niên trông giống người dân tộc đang đứng. Tôi nhìn qua một lượt, chỉ thấy kẻ này trông rất bình thường, giá có lẫn trong đám đông thì cũng không nhận ra nổi. Nhưng có lẽ là do tác động tâm lý nên vừa nghĩ tới câu chuyện ăn thịt người chết mà chú Ba nói, tôi bỗng cảm thấy người này trông khá kì quái, có nét gì đó xảo trá.

Người đó quay về phía chúng tôi hô to một tiếng, cập thuyền sát vào vách núi gần đó. Ông lão vỗ vỗ cổ con bò rồi bảo chúng tôi lên thuyền.

Đống hành lý của chúng tôi đều chất hết lên thuyền, còn con bò cùng với cỗ xe thì cho lên cái bè kéo đằng sau. Chúng tôi mang rất nhiều đồ nên lúc này không có chỗ mà ngồi, đành ngồi ghé vào mép thuyền.

Chú Ba ngã giá xong, liền kêu người kia lái thuyền. Người trung niên đó chèo thuyền cũng thật nhanh, trong chốc lát thuyền đã bơi ra giữa dòng. Chúng tôi xuôi theo lạch nước, đi vòng qua một ngọn núi, bỗng có một luồng gió lạnh thổi tới, phía trước mặt đột nhiên hiện ra một khoảng không thoáng đãng.

Từ đây đến sơn động kia còn một đoạn nữa, quãng đường này phong cảnh như tranh, hai bên là vách đá dựng đứng, núi non trùng điệp, quả là đẹp không sao tả xiết. Tôi xuýt xoa tán thưởng, không quên lấy máy ảnh kĩ thuật số, tách tách tách liên hồi, chụp được rất nhiều ảnh.

Theo từng nhịp chèo của người lái thuyền, chúng tôi cứ chầm chậm trôi xuôi theo dòng nước. Lạch nước chảy dưới đáy hang cũng thuận theo mạch núi, quanh co khúc khuỷu. Mỗi khi chúng tôi nghĩ đã tới điểm tận cùng của con lạch thì người kia lại quay đầu thuyền, trước mắt lập tức hiện ra một phong cảnh mới. Chúng tôi đi rất lâu trong mạch sông ngoằn ngoèo này, đến khi tôi rút ra điếu thuốc "Bát Hỉ" thứ ba thì gã mới chống sào cho thuyền dừng lại, nói với chúng tôi: "Chờ một chút, lát nữa chúng ta phải qua một thủy động. Khi vào trong động, các vị nhất định phải hạ giọng xuống, không được nhìn vào trong nước, đặc biệt không được nói xấu sơn thần."

Chúng tôi nhìn nhau, không biết phải làm gì. Phan Tử dùng giọng Hàng Châu hỏi chú Ba: "Làm sao đây, chúng ta có nên nghe lời gã không?"

Chú Ba nghĩ ngợi một chút, rồi cũng dùng giọng Hàng Châu mà trả lời: "Giờ cũng không rõ hai người này có vấn đề gì không, nơi đây quanh co khúc khuỷu, còn hiểm ác hơn dự liệu của ta gấp bội. Chúng ta hãy tạm nghe lời gã, chuyện tới đâu tính tới đó, trước hết cứ để gã dẫn đường."

Chúng tôi nghe vậy đều khẽ gật đầu. Trên đường tới đây tôi đã nghe dân bản địa nói nhiều về chuyện giết người cướp của xảy ra trong vùng núi này. Họ kể người bên ngoài bị lừa vào những nơi kín đáo cướp đoạt tiền của, sau đấy giết sạch không để ai sống sót; thi thể bị vùi ngay tại chỗ, có là thần linh cũng không tìm ra nổi. Nhưng đó đều là những chuyện xảy ra trước ngày giải phóng, không biết đến giờ có còn nữa không.

Phan Tử từng là quân nhân nên rất bình tĩnh, tay đã lập tức đặt lên chuôi dao đeo trên thắt lưng, liếc mắt ra hiệu cho tôi. Tôi cũng giữ thật chặt ba lô, đề phòng gặp chuyện bất ngờ, đồ đạc lại rơi xuống nước.

Đến đây thuyền lại rẽ ngoặt, vẽ ra một đường cong xấp xỉ 180 độ. Lách qua mỏm đá phía đầu thuyền, sơn động đã hiện ra trước mắt. Vừa rồi trong lúc chuyện phiếm chúng tôi còn tưởng tượng ra một cái động đá vôi cao rộng, nào ngờ vừa thấy đã không khỏi kêu một tiếng không ổn. Động này thực sự không thể gọi là sơn động, gọi bằng lỗ nẻ cũng đã quá lắm. Bề rộng chỉ nhỉnh hơn thân thuyền chừng mười phân, nhưng chiều cao của nó còn kinh khủng hơn:

nếu ngồi ngay ngắn trên thuyền thì không thể vào được, phải cúi thấp người, gắng gượng lắm mới có thể chui lọt.

Có câu chuột lớn không chui hốc hẹp, trong không gian chật chội thế này, nếu có người bên trong muốn ám toán thì chúng tôi thực sự không thể chống đỡ. Phan Tử khẽ rủa mấy câu: "Má nó, động gì mà như cái hang chuột."

Trong số những thắng cảnh của vùng núi Nghi Mông có một khe núi ngầm rất nổi tiếng nằm sâu dưới mặt đất, cửa vào của nó rất giống chỗ này. Tôi chắc mẩm đây cũng là một khe nứt đặc trưng của địa hình núi đá vôi, vào trong sẽ thấy vô vàn thạch nhũ chúc ngược xuống, nào ngờ vào rồi mới biết sự thực khác xa tưởng tượng. Hang động này đoạn gần lối vào còn sáng sủa, nhưng qua một khúc ngoặt lập tức trở nên tối đen như mực.

Phan Tử bật đèn mỏ, chiếu thẳng về phía trước, chỉ thấy bốn bề vách động trơn bóng ẩm ướt, toát ra một màu xanh lục kì quái, cứ như phủ lên một tầng rêu xanh.

A Khuê ngẩng đầu, hít một hơi khí lạnh: "Lão Ba, hang động này không đơn giản đâu. Hình như… nó là một đạo động!"

Chú Ba đưa tay rờ lên vách đá, vẻ mặt hoài nghi: "Con bà nó, đúng là đạo động rồi. Cổ viên cận phương (*), xem ra đạo động này niên đại cũng không nhỏ."

(*) Cổ viên cận phương: những đạo động cổ bị nước, gió,… xâm thực bào mòn lâu ngày thì những vết đào sẽ mờ dần đi, động trở thành dạng hình tròn. Ngược lại đạo động mới sẽ có hình dáng rõ ràng sắc cạnh, thường là dạng hình vuông.

Người trung niên kia đang cúi người, quỳ một gối nơi đầu thuyền, một tay chống sào lẳng lặng chèo, nghe chúng tôi nói vậy liền chen ngang: "Những lời ông anh nói không sai chút nào, xem ra thân phận ông anh cũng không vừa. Ngọn núi chúng ta đang đi qua được gọi là Ngũ Phần Lĩnh (núi năm mộ), trước kia tôi có nghe nói cả tòa núi này kỳ thực là một tòa cổ mộ, xung quanh đây không thiếu những thủy động như thế này."

"Haha, xem ra ông cũng là dân trong nghề" Chú Ba khách khí mời gã điếu thuốc.

Gã lắc đầu, đáp: "Cái gì mà dân trong nghề chứ, tôi chẳng qua chỉ nghe lại từ những người đã đến đây trước các vị thôi. Nghe nhiều thành quen, thi thoảng thuận miệng nói được dăm ba câu, cũng chỉ biết được những điều đơn giản. Ông anh đừng có nói tôi là dân trong nghề."

Tay Phan Tử và Đại Khuê đều đặt lên cán dao, vừa cười cười nói nói, vừa cảnh giác quan sát động tĩnh bốn phía. Thoạt nhìn tôi không hề cảm nhận được bầu không khí này có điểm nào bất ổn, nhưng lòng bàn tay cũng bất giác toát mồ hôi lạnh.

Chú Ba châm điếu thuốc, rồi hỏi người chèo thuyền chuyện trong động. Gã nói kỳ thực gã cũng không biết chuyện xảy ra thế nào, chỉ biết những bậc tiền bối truyền cho rất nhiều quy tắc. Tỷ như không được nói chuyện lớn tiếng, không được nhìn xuống nước, chỉ cần làm đúng như thế thì sẽ không sao. Mấy đời nhà gã đều nhất nhất tuân thủ, chưa có ai phá giới, cho nên chuyện có thật hay không hắn cũng không rõ.

Đang trò chuyện, Muộn Du Bình đột ngột khoát tay ra hiệu, nói khẽ: "Nghe đi! Hình như có tiếng người!" Chúng tôi bị động tác đột ngột này của hắn dọa cho giật mình, lập tức nín thở, quả nhiên nghe được tiếng thì thào từ sâu trong động truyền ra.

Thanh âm ấy biến ảo khôn lường, vang vọng qua lớp lớp hang động càng gây cho người ta cảm giác phiêu diêu. Tôi chăm chú lắng nghe xem nó nói gì, nhưng chung quy vẫn chỉ nghe được những thanh âm mơ hồ, nửa rõ nửa không.

Nghe một hồi cũng không nhận ra là tiếng gì, tôi liền hỏi người chèo thuyền trung niên kia xem có phải trong động thường xuyên xuất hiện thứ thanh âm này hay không. Hỏi vài tiếng không thấy ai trả lời, tôi quay đầu nhìn về phía đầu thuyền thì đã không thấy bóng dáng người chèo thuyền đâu.

Tôi không nén nổi kinh ngạc, kêu lên một tiếng. Nhưng vừa quay đầu lại, quái, lão già kia cũng không còn ở đó nữa.

"Phan Tử, bọn họ biến đâu mất rồi?" Chú Ba sốt ruột hỏi.

Nội dung chương bạn đang xem bị thiếu. Vui lòng truy cập website https://truyenhay.pro.vn để xem nội dung đầy đủ. Cảm ơn bạn đọc!