Năm mười hai tuổi, ta được điều vào Hàn lâm họa viện nhậm chức. Phẩm cấp không thay đổi, chỉ là công việc chủ yếu đổi thành hầu hạ các đãi chiếu bên họa viện vẽ tranh và nghe quan chủ quản họa viện sai khiến.
Đám nội thị Thư nghệ cục đều rất lấy làm thương cảm cho ta, nói rằng đây thực ra là bị giáng chức, họa viện vốn thấp hơn thư viện một bậc.
Ta cũng biết rằng địa vị của người bên thư họa viện không cao, tuy quan viên tứ phẩm ngũ phẩm trong viện cũng có thể mặc áo đỏ áo tím như các quan văn bình thường nhưng lại không có bội ngư (*).
Trong mắt người đời, đãi chiếu thư họa viện bị quy là vào bằng nghệ thuật, mức độ tôn trọng được dành cho cũng có giới hạn.
Mà người của họa viện so ra thì còn kém thư viện một bậc, mỗi lần chúng đãi chiếu lập đội đều lấy thư viện dẫn đầu, họa viện xếp sau, chỉ đỡ hơn cầm, kỳ, ngọc, bách công viện đôi chút.
(*) Tín phù ra vào hoàng thành, lên triều diện thánh của quan viên từ ngũ phẩm trở lên, chiếu theo cấp bậc quan viên mà phân biệt làm bằng vàng, bạc, đồng, tạo thành hình cá chép, gọi là ngư phù, khắc những thông tin cơ bản như họ tên quan viên, chức quan, đựng trong túi đeo bên hông, là ký hiệu cho địa vị và thân phận của quan viên. (chú thích của tác giả)
Đãi chiếu chính thức còn vậy thì nội thị trong viện lẽ tự nhiên cũng theo đó mà bị phân chia đẳng cấp trong mắt mọi người. Cùng là nội thị hoàng môn nhưng cầm viện không bằng họa viện, họa viện cũng không bằng thư viện.
Quan tổng quản của Hàn lâm thư họa cục khi ấy là nhập nội phó đô tri Nhậm Thủ Trung, sau đó, Trương Thừa Chiếu đã kiến nghị ta:
"Cậu đi xin Trương tiên sinh đi, xin ông ấy nói vài câu với hoàng hậu, để hoàng hậu mệnh Nhậm đô tri giữ cậu lại thư viện cho."
Ta chẳng ừ hử gì.
Hắn lại nháy mắt mấy cái với ta, cười nói:
"Đi đi, không sao đâu, Trương tiên sinh là tâm phúc của hoàng hậu, một khi ông ấy đã có lời thì cậu cũng không cần phải đi họa viện nữa rồi."
Ta lắc đầu với hắn, gạt bỏ kiến nghị này.
Cũng không phải là ta nghi ngờ sự thật rằng Trương tiên sinh rất được hoàng hậu tán thưởng và tín nhiệm, mà là ta biết rõ rằng, ỷ vào sự coi trọng của hoàng hậu với mình để yêu cầu chuyện ngoài bổn phận không phải là tác phong của thầy, lần trước mở miệng cứu ta chỉ là tình huống cực kỳ ngẫu nhiên, ta không muốn khiến thầy phá lệ lần nữa.
Ta chưa bao giờ tham vọng xa vời, cũng không muốn chứng kiến ai vì cớ tại ta mà cầu xin người khác điều gì.
Họa sư họa viện chia thành năm bậc: họa học chính, đãi chiếu, nghệ học, chỉ hầu, nghệ nhân; người chưa có phẩm cấp thì gọi chung là họa học sinh. Các tác phẩm tranh vẽ của họ đều là để cung ứng cho cung đình, lấy làm ngự dụng, hoặc giả họ sẽ phụng chỉ đến các chùa miếu đạo quan vẽ tranh.
Đó là nơi còn yên tĩnh hơn thư viện. Cứ mỗi mười ngày đều phải mang tranh họa cất trong gác mật ra cho các họa sư đánh giá mô phỏng, hôm ấy sẽ hơi mệt, song những ngày khác thì không có bao nhiêu sự vụ, đa số thời gian ta chỉ cần đứng hầu bên cạnh, nghe quan viên họa viện dạy học hoặc xem các họa sư vẽ tranh là được.
Trong số các họa sư, ta thích xem tranh của họa học sinh Thôi Bạch nhất. Gã là người Hào Lương, năm đó tuổi chừng hăm mấy, dung mạo sáng sủa thanh tú, tính tình cởi mở, không màng danh lợi, hành sự phóng túng ngông cuồng, thường độc lai độc vãng, hay bị quan viên họa viện lườm nguýt, nhưng tranh gã luôn ẩn chứa một luồng linh khí hiếm thấy so với tranh cung đình phổ thông, đó cũng là cái mà ta cực kỳ thưởng thức.
Một ngày cuối thu, trong đình họa viện xào xạc lá rụng, gã một thân một mình vẽ tại chỗ hai con quạ đậu trên cây, ta yên lặng đứng xem đằng sau gã, khi đặt bút xuống tạm nghỉ, trong lúc vô tình quay đầu, gã phát hiện ra ta, cười cười, hỏi:
"Trung quý nhân (*) cũng mê đan thanh (**) chăng?"
(*) Về xưng hô của hoạn quan, hoạn quan thời Tống không gọi là thái giám mà thường gọi là nội thị, nội thần, hoạn giả, trung quan, người Tống không gọi họ là công công mà thường gọi họ theo chức quan, trung quý nhân là cách gọi tôn kính của người ngoài cung đối với hoạn quan. (chú thích của tác giả)
(**) Đan chỉ đan sa (chu sa), thanh chỉ thanh hoạch, là hai loại khoáng vật chế tạo nên thuốc màu. Hội họa cổ Trung Hoa thường dùng hai màu đỏ xanh nên đan thanh trở thành một cách gọi khác của môn nghệ thuật này.
Ta lùi ra sau một bước, cúi người đáp:
"Hoài Cát mạo phạm, quấy rầy nhã hứng của Thôi công tử."
"Chuyện đó thì không," Thôi Bạch tủm tỉm, nói,
"Tôi chỉ tò mò không biết, vì sao trung quý nhân không đi xem chư đãi chiếu họa viện vẽ tranh mà mỗi lần đều để ý tới chuyết tác như thế."
Ta ngẫm nghĩ rồi đáp:
"Còn nhớ ngày Hoài Cát mới vào họa viện, thấy chúng họa học sinh đều đang theo họa học chính vẽ phỏng tranh hoa điểu của Hoàng Cư Thái, duy có công tử là ngoại lệ, một mực nghiêng đầu nhìn ra ngoài cửa sổ, vẽ chim chóc trên cành cây trong đình."
Thôi Bạch xua tay cười:
"Tranh hoa điểu của Hoàng thị tinh vi tráng lệ, đời này tôi học chẳng nổi nên dứt khoát tự mình nguệch ngoạc đấy thôi."
Nội dung chương bạn đang xem bị thiếu. Vui lòng truy cập website https://truyenhay.pro.vn để xem nội dung đầy đủ. Cảm ơn bạn đọc!