Chương 35: Hội bắn

Ta không hỏi chi tiết nàng gặp gỡ Tào Bình ra sao, nàng cũng không kể cho ta, trên đường trở về Nghi Phượng Các, hai người chúng ta kẻ trước người sau trầm mặc bước đi, cách nhau gần như vậy mà lại xa đến thế, vào tới cửa gác rồi cũng không có lấy nửa câu đối thoại.

Ta hoàn toàn có thể tưởng tượng được khúc thanh ca của Tào Bình đã để lại ấn tượng thế nào cho nàng, thế nên khi nghe nàng nằn nì kim thượng cho nàng đi xem sứ giả Khiết Đan bắn cung ở nam ngự uyển, ta không cảm thấy kỳ quái một chút nào.

Vào nguyên đán hằng năm, sứ giả Khiết Đan sẽ tiến cung, triều kiến xong xuôi, hôm sau sẽ đến Đại Tướng Quốc Tự, ngày thứ ba thì tới nam ngự uyển Ngọc Tân Viên bắn cung, triều đình sẽ chọn vài võ thần thiện tài cung tiễn tiếp bắn rồi thưởng cỗ rượu tại chỗ.

Bởi hậu tộc Tào thị vốn là tướng môn nên con cháu trong tộc đều giỏi cưỡi ngựa bắn cung, quan lại tiếp bắn thường chọn từ Tào thị, mấy năm gần đây, nhiệm vụ này đã liên tiếp được giao cho Tào Dật hoặc em trai Tào Giai.

Tào Bình đã lớn, lại cũng tinh thông kỵ xạ, sớm muộn rồi cũng đảm nhiệm chức vụ tiếp bắn này. Chuyến này công chúa xin đi nam ngự uyển hẳn là do Tào Bình từng nói với nàng, mồng ba cậu sẽ theo cha.

Kim thượng chịu không nổi nàng mè nheo nài nỉ, miễn cưỡng đồng ý, nhưng lệnh nàng chỉ được phép xem trên lầu gác cạnh sân bắn cung, không được xuất hiện trong ngoài sân bắn, tránh cho người ngoài nhìn thấy.

Ngọc Tân Viên nằm bên ngoài Nam Huân Môn, xây vào thời Hậu Chu, sau được hoàng đế quốc triều tu sửa, đến nay quy mô hoành tráng, ngoài sân bắn cung dài năm trăm trượng, rộng ba trăm trượng ra, trong vườn còn cất trăm đình ngàn tạ, ở giữa có hồ nước, rừng cây rậm rì, hoa thơm khắp lối, lại có một Dưỡng tượng sở, bên trong nuôi đến mấy chục con voi cùng các loài chim thú quý hiểm khác, bởi vậy nên bình thường công chúa cũng rất hay tới đây thăm thú.

Đến ngày hội bắn, mới sáng tinh mơ công chúa đã lập tức đi Ngọc Tân Viên, lên lầu gác cạnh sân bắn ngồi chờ sau mành che từ sớm.

Lát sau, sứ giả Khiết Đan và quan thần tiếp bắn Đại Tống lần lượt vào sân, người dẫn đầu tiếp bắn là Tào Dật, theo sau ông là một thiếu niên đầu chít khăn xanh, bận áo bó nền trắng viền xanh, lưng thắt đai, đi ủng đen, công chúa vừa trông thấy đã lập tức dựa sát lại gần mành châu – đó chính là Tào Bình.

Sứ giả Khiết Đan đầu đội kim quan, đuôi mão dài nhọn, nom như lá sen, mặc áo bào tím bó sát người, đeo đai đính điệp tiệp (*) vàng. Tào Dật thì vấn khăn chít đầu, mặc áo bó, đi giày gấm, thắt đai lưng chỉ bạc.

Dung nhan trắng trẻo thanh tú, ánh mắt ôn hòa điềm đạm, làm bộ trang phục bắn cung ông mặc cũng toát lên vẻ tao nhã chẳng khác gì y quan văn sĩ.

(*) Điệp tiệp là những cái móc bằng ngọc, vàng, kim loại gắn trên đai lưng để treo những món đồ nhỏ.

//

Điệp tiệp

Một lúc sau, hai nhóm nội thị đi trước dẫn đường, Thập Tam Đoàn Luyện Triệu Tông Thực theo sau vào sân, làm chủ trì thay mặt kim thượng, lên đài chủ tọa trong sân quan chiến.

Sứ giả và Tào Dật mỗi bên dẫn người hành lễ với đài cao rồi bái lạy lẫn nhau, Thập Tam Đoàn Luyện lệnh nội thần tuyên đọc ý chỉ của hoàng đế, ban cung tên rượu ngự, sứ giả Khiết Đan trụ chân trái, quỳ chân phải, hai tay đỡ vai phải bái tạ.

Thần tử hai nước đối ẩm rượu ngự, nhạc lễ vang lên, hơn mười người đội kiểm tên Đại Tống bận áo tím, chít khăn đầu, sắp hàng đứng trước ụ bắn, thực hiện nghi thức rồi chia ra canh giữ hai bên, yên lặng đợi sứ giả bắn tên.

Có mười ụ bắn, mặt bia màu đỏ, vẽ hình sườn mặt đầu hổ bằng mực đen, lấy mắt hổ làm hồng tâm. Sứ giả Khiết Đan theo lệ bắn bằng nỏ.

Một gã Khiết Đan đội khăn chít đầu không cánh, mặc áo gấm bước lên mở đầu, đạp mở khung nỏ, múa vòng lắp tên, tự mình ngắm bia bắn trước, thấy ngay ngắn rồi mới nhường lại cho sứ giả. Sứ giả chỉ liếc thoáng qua, lập tức bắn tên, đâm trúng tâm bia.

Người xem vỗ tay khen hay, sau đó cùng nhìn sang Tào Dật, chờ ông ứng đối.

Bản triều bắn tên dùng cung. Tào Dật ung dung tiến lên, giương cung cài tên, cơ hồi không chút ngơi nghỉ, mũi tên lao vút đi như tia chớp, đâm thẳng vào mắt hổ.

Đội kiểm tên đồng thanh reo hò, người Tống vây xem mừng rỡ khôn xiết, tán tụng không ngớt, trống trận rộn tiếng dồn dập, vang dậy hoan hỉ.

Sứ giả Khiết Đan cũng vỗ tay khen ngợi, Tào Dật cúi người cảm tạ, không chút kiêu ngạo. Sau đó, sứ giả tủm tỉm nói với ông điều gì, còn trỏ tay vào tùy tùng sau người, như có vài đề xuất.

Khoảng cách quá xa, công chúa không nghe được họ đối thoại đâm ra sốt ruột, bảo ta:

"Hoài Cát, huynh xuống dưới nghe xem họ nói gì, lát nữa lên kể lại cho ta biết với."

Ta nhận lời, dặn Trương Thừa Chiếu và chúng thị nữ hầu hạ công chúa cẩn thận rồi xuống lầu đi về phía sân bắn.

Lúc tới được bên sân thì đã có một thanh niên người Khiết Đan bước ra từ đám tùy tùng đi theo sứ hầu, thân hình cao lớn, phong thái hiên ngang, tay xách cánh cung khắc hoa văn, tư thế như chuẩn bị bắn bia.

Sứ thần chăm chăm nhìn Tào Dật, như đang đợi câu trả lời của ông, mà Tào Dật thì trầm ngâm, chưa bày tỏ thái độ gì.

Ta hỏi một nội thần đứng xem tình hình hiện giờ, hắn đáp: "Sứ giả Khiết Đan nói hội bắn mỗi năm chỉ diễn ra một lần, đều do đại sứ, phó sứ và quan lại tiếp bắn Đại Tống phát tên, mấy năm nay chỉ có mỗi vài gương mặt thân quen này, chẳng bằng năm nay sửa đổi một chút, nghe nói thiếu niên Đại Tống lắm người thiện xạ, hay là đổi hết sang cho lứa hậu sinh trẻ tuổi đọ sức so tài.

Ông ta tự chọn một người trong hậu tộc Khiết Đan, tên là Tiêu Khởi, coi bộ là một tay thần tiễn. Thay người thì cũng chẳng sao, nhưng ông ta lại chỉ đích danh muốn Thập Tam Đoàn Luyện ứng chiến…"

Nội dung chương bạn đang xem bị thiếu. Vui lòng truy cập website https://truyenhay.pro.vn để xem nội dung đầy đủ. Cảm ơn bạn đọc!